📞

ALBA ủng hộ sáng kiến về một thế giới không tường rào

10:41 | 08/03/2017
Trong hai ngày từ 5/3 đến 6/3, tại thủ đô Caracas, Venezuela đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) lần thứ 14. 

Tham dự hội nghị có Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro, Chủ tịch Cuba Raúl Castro và người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước trong khu vực Mỹ Latin và Caribbean, cùng nhiều quan khách ngoại giao.

Cam kết tăng cường đoàn kết và bảo vệ hòa bình

Diễn ra trong dịp tưởng niệm 4 năm ngày cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez qua đời (5/3/2013 - 5/3/2017), hội nghị là cơ hội để lãnh đạo các nước thành viên thảo luận đưa ra các mục tiêu, biện pháp mới thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất và hội nhập khu vực, bên cạnh việc mở rộng các dự án kinh tế, thương mại và hợp tác đem lại lợi ích chung cho tất cả các quốc gia thành viên.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) lần thứ 14. (Nguồn: AVN)

Tại phiên bế mạc, Ngoại trưởng nước chủ nhà Delcy Rodríguez nhấn mạnh, trong bối cảnh chủ nghĩa đế quốc, các tập đoàn đa quốc gia và các thế lực tư bản đang mở rộng tấn công, các phong trào dân chủ, quần chúng cần tăng cường đoàn kết, ALBA bảo vệ độc lập, quyền tự quyết, bản sắc dân tộc, công lý và hợp tác, nhằm đạt được sự phát triển toàn diện và đảm bảo chủ quyền quốc gia của các nước thành viên. Ngoài ra, các khối liên kết như Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và vùng Caribbean (CELAC), Cộng đồng Caribbean (Caricom) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng đóng vai trò quan trọng.

Hội nghị đã ra văn bản phản đối sắc lệnh của Mỹ trừng phạt Venezuela với nhận định nước này là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia” Nhà Trắng, đồng thời hối thúc dỡ bỏ lệnh này. Hội nghị cũng bầu cựu Ngoại trưởng Bolivia David Choquehuanca làm Thư ký điều hành của ALBA và thống nhất tái khởi động quỹ hỗ trợ về pháp lý, tài chính và tư vấn cho những kiều dân Mỹ Latin tại Mỹ. ALBA cũng ủng hộ sáng kiến tổ chức Hội nghị toàn cầu của các dân tộc về một thế giới không tường rào, do Tổng thống Bolivia Evo Morales đề xuất và dự kiến diễn ra vào tháng 6/2017.

Sự ra đời của ALBA và những bước tiến ấn tượng

Sau nhiều thập kỷ yếu kém trước cánh hữu thân Mỹ và phương Tây, phong trào cánh tả châu Mỹ Latin đã phát triển mạnh mẽ. Ngày 14/12/2004, tại La Habana, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Chủ tịch Cuba Fidel Castro ký tuyên bố thành lập Tổ chức Sự lựa chọn Bolivia cho châu Mỹ (ALBA). Đây là cơ chế hội nhập trên tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước Mỹ Latin, như một sự lựa chọn thay thế cho Khu vực Thương mại Tự do châu Mỹ (FTAA). Và như vậy, ALBA trở thành đối trọng công khai với FTAA trong toàn cảnh hội nhập quốc tế tại châu lục này.

ALBA là một tổ chức liên kết khu vực, hội nhập quốc tế rất đặc thù, là thiết chế liên kết khu vực hoàn toàn của các quốc gia đang phát triển, không có sự tham gia của quốc gia phát triển hay bất cứ một cường quốc nào.

Xác định là một dự án địa chính trị, ALBA khẳng định mục tiêu chung là: “Cải tạo các xã hội Mỹ Latin theo hướng ngày càng công bằng, văn minh, tham dự và đoàn kết thông qua các chính sách khắc phục bất bình đẳng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống và động viên nhân dân tham gia có hiệu quả vào quá trình tự làm nên tương lai của mình”.

Để thực hiện mục tiêu chung, ALBA xác định các mục tiêu cụ thể. Một là, phối hợp chính sách phát triển nông nghiệp công cộng để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Hai là, bảo đảm các quyền kinh tế, quyền xã hội và quyền công dân hợp thành một thể thống nhất không thể chia cắt, ở đó chủ quyền và độc lập dân tộc là bất khả xâm phạm. Ba là, phấn đấu vì một sự hội nhập nhân văn. Bốn là, khai thác các lợi thế hợp tác giữa các quốc gia dân tộc, bù đắp cho nhau mọi sự mất cân đối. Năm là, chống đói nghèo, nguy cơ loại trừ xã hội, vì sự phát triển đồng thuận, hài hòa quốc gia và khu vực. Sáu là, mở ra không gian tham vấn, phối hợp và liên minh chiến lược.

ALBA đã thực sự trở thành một không gian địa chiến lược giúp các nước nhỏ trong khu vực xoá bỏ được bất công, bất bình đẳng và nghèo nàn. (Nguồn: The Latin American Diaries)

Đến nay, ALBA gồm các thành viên chính thức: Cuba, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Antigua-Barbuda, Cộng hòa Dominica, Nicaragua, Santa Lucia, Saint Vincent-the Grenadines, San Cristobal-Nieves và Granada. Haiti, Syria và Iran là các nước quan sát viên của tổ chức này. Hiện nay, dân số của các nước trong tổ chức này khoảng 74 triệu dân, trong đó 47% trong độ tuổi lao động; diện tích 3 triệu km2 (1% tổng diện tích Mỹ Latin); GDP toàn khối vào khoảng 350 tỷ USD.

Gần 13 năm là khoảng thời gian còn tương đối ngắn đối với tổ chức quốc tế như ALBA nhưng tổ chức này đã đạt được những bước tiến rất ấn tượng.

Trên phương diện chính trị, Liên minh này đã xây dựng được nền móng cho khối đoàn kết chung Mỹ Latin, để từ đó xây dựng cơ chế Liên kết khu vực khác như Cộng đồng Quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) vào năm 2010 và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) vào năm 2011.

ALBA cũng đã mở ra không gian tham vấn, phối hợp và thỏa thuận nhằm thiết lập liên minh chiến lược, tạo dựng vị trí và vai trò cân bằng với các tổ chức quốc tế khác. Đồng thời, thúc đẩy nguyên tắc công bằng chủ quyền của các quốc gia, chủ động tham gia vào việc xây dựng một trật tự thế giới đa cực và đa trung tâm, xây dựng mối quan hệ sâu rộng và phong phú giữa các quốc gia dựa trên việc xem xét những mặt bất cân xứng giữa các quốc gia.

Lãnh đạo nhà nước và chính phủ các quốc gia thành viên ALBA đã thúc đẩy việc xây dựng các tổ chức và cơ chế chung thuộc liên minh; khuyến khích thay đổi để ALBA trở thành một hệ thống quốc tế có đủ năng lực phản ứng kịp thời trước các cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội, tài chính, lương thực, năng lượng và biến đổi khí hậu.

Trên phương diện hợp tác kinh tế, hoạt động hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên ALBA dựa trên một số nguyên tắc chung, tiêu biểu như: bổ trợ kinh tế và hợp tác giữa các nước thành viên, không có cạnh tranh giữa các nước cũng như các sản phẩm; hội nhập năng lượng giữa các nước trong khu vực; khuyến khích đầu tư vốn của Mỹ Latinh tại chính Mỹ Latin và Caribbean,… Các nước ALBA đã bắt đầu phác thảo các kinh nghiệm kinh tế về xây dựng một Khu kinh tế và phát triển chung, thông qua việc nâng tầm quy mô các dự án và doanh nghiệp Đại quốc gia, Hiệp ước Thương mại của các dân tộc, Hệ thống thanh toán bù trừ và Ngân hàng ALBA,…Các nước thuộc liên minh ALBA cũng tích cực hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, môi trường, khoa học và công nghệ,…

Với những gì đã đạt được trong thời gian qua, ALBA đã thực sự trở thành một không gian địa chiến lược giúp các nước nhỏ trong khu vực xoá bỏ được bất công, bất bình đẳng và nghèo nàn do các tập đoàn đa quốc gia theo chủ nghĩa tự do mới đã để lại. Cũng vì lẽ đó, cố Tổng thống Hugo Chavezcó lý khi nói rằng: "ALBA không chỉ có vai trò trong việc thắt chặt quan hệ giữa các nước với nhau mà nó đã tập hợp các nước trong việc giữ vững độc lập". Có thể nói, thành công của ALBA trong gần 13 năm qua, không phải chủ yếu nhờ sức mạnh kinh tế, mà là nhờ tầm nhìn đúng đắn, bản lĩnh chính trị kiên định của các nguyên thủ quốc gia, trong đó có các lãnh tụ Fidel Castro, Hugo Chavez, Rafael Correa, Evo Morales, Daniel Ortega...

(theo Venezuelanalysis.com)