Người dân Venezuela xuống đường tuần hành về chủ quyền vùng lãnh thổ Essequibo giàu dầu mỏ. (Nguồn: Venezuelanalysis) |
Ngày 3/12, Caracas mở cuộc trưng cầu toàn quốc về chủ quyền của Venezuela trên khu vực Essequibo - rộng khoảng 160.000 km2, nằm ở phía Tây sông Essequibo với phần lớn diện tích là rừng rậm và gần vùng biển - nơi phát hiện trữ lượng dầu khí lớn.
95% phiếu thuận là kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu, tạo cơ sở để chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hướng tới giành quyền kiểm soát Essequibo, bất chấp phản ứng kịch liệt từ nước láng giềng và lo ngại của cộng đồng quốc tế.
Song, xung đột lãnh thổ Venezuela-Guyana không đơn thuần là cuộc tranh giành tài nguyên mà còn xuất phát từ mâu thuẫn lịch sử.
Đường Schomburgk
Năm 1814, Vương quốc Anh mua lại Guyana theo hiệp ước song phương với Hà Lan. Vì thỏa thuận này không xác định ranh giới phía Tây, nên Anh ủy quyền cho nhà địa lý học Robert Schomburgk phân định ranh giới đó. Sau thời gian nghiên cứu, đường Schomburgk đã hình thành vào năm 1835, cho phép Anh mở rộng lãnh thổ Guyana tới tận cửa sông Orinoco - vốn nằm sâu trong phần đất Venezuela ngày nay.
Năm 1841, Caracas lên tiếng phản đối hành động đơn phương của Anh trong phân định đường Schomburgk, đồng thời khẳng định biên giới của mình mở rộng về phía Đông tới sông Essequibo - một yêu sách chủ quyền với ⅔ lãnh thổ Guyana.
Nhằm tránh leo thang xung đột, Anh đồng ý đàm phán, đề nghị nhường Venezuela toàn bộ cửa sông Orinoco và các vùng lân cận, song vẫn duy trì quyền của mình với lãnh thổ Guyana kéo dài qua sông Essequibo.
Dù vậy, Caracas chưa hài lòng với sắp xếp trên, do đó quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Anh năm 1876 và kêu gọi Mỹ nhập cuộc trên cơ sở học thuyết Monroe - chủ trương đối ngoại của Washington vào thế kỷ XIX nhằm phản đối sự can thiệp của châu Âu tại Mỹ Latinh.
Năm 1895, Ngoại trưởng Mỹ Richard Olney gửi công hàm phản đối và yêu cầu Anh đưa tranh chấp Essequibo ra tòa trọng tài. Đồng thời, Washington yêu cầu Quốc hội cho phép thành lập ủy ban biên giới nhằm giải quyết bất đồng, bảo đảm an ninh khu vực “sân sau”.
Trước sức ép đó, Anh chấp nhận giải quyết tranh chấp thông qua ủy ban do Mỹ điều phối, trong khi đó, vì Venezuela là bên chủ động mời Mỹ can thiệp, nên nước này tin rằng ủy ban sẽ đưa ra quyết định có lợi cho mình.
Song thực tế trái ngược với kỳ vọng của Caracas, ngày 3/10/1899, ủy ban ra phán quyết giữ nguyên hiện trạng, Anh nhường cửa sông Orinoco và vùng đất lân cận cho Venezuela, đồng thời vẫn được phép duy trì kiểm soát Guyana và vùng Essequibo.
Trong bài phát biểu về lập trường của Venezuela trong tranh chấp lãnh thổ với Guyana ngày 8/12/2023, Tổng thống Nicolas Maduro đưa ra tấm bản đồ mới, với sự điều chỉnh về lãnh thổ bao trọn vùng Essequibo. (Nguồn: Getty Images) |
Tranh chấp ‘vàng đen’
Xung đột nóng lên kể từ năm 2015, khi tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ phát hiện trữ lượng dầu ngoài khơi bờ biển Essequibo và kể từ năm 2019, doanh nghiệp này liên doanh với Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và tập đoàn Hess để bắt đầu khai thác.
Sản lượng dầu khí hiện ở mức khoảng 400.000 thùng một ngày, dự kiến tăng lên hơn 1 triệu thùng/ngày vào năm 2027. Theo báo cáo mới nhất, trữ lượng dầu tích lũy hiện tại của Guyana có thể lên tới 11 tỷ thùng, đồng nghĩa nước này thuộc vào nhóm 20 quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.
Tháng 9/2023, Guyana mở thầu thêm 14 lô dầu ngoài khơi để thăm dò và phát triển, sáu công ty và tập đoàn đã nộp hồ sơ dự thầu, trong đó có ExxonMobil của Mỹ, China National Offshore Oil Corp của Trung Quốc và Total Energies của Pháp. Những hoạt động này hứa hẹn tạo bước đột phá mạnh mẽ cho nền kinh tế Guyana với nguồn thu khổng lồ từ thương mại năng lượng thời gian tới.
Dù Venezuela có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới và trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ, sản lượng của nước này đã giảm đáng kể trong những năm gần đây do lệnh trừng phạt của Mỹ và cơ sở hạ tầng xuống cấp. Ngày 5/12, Tổng thống Maduro khẳng định cho phép thăm dò dầu khí ở Essequibo, cho phép công ty dầu mỏ quốc doanh PDVSA và công ty sản xuất sắt thép CVG phân chia tại khu vực tranh chấp.
Hơn nữa, ông Maduro thông báo tất cả các công ty đang hoạt động ngoài khơi Guyana có ba tháng để rời đi, đồng thời tuyên bố thành lập Khu vực hoạt động phòng thủ toàn diện mới tại vùng Essequibo, và yêu cầu Quốc hội nước này thông qua dự luật thành lập “bang Guayana Esequiba”.
Diễn biến trên buộc chính phủ Guyana phản ứng tức thời, lên án động thái của Venezuela là vi phạm luật pháp quốc tế, và cảnh báo bất kỳ quốc gia nào công khai thách thức tổ chức quốc tế đều là mối đe dọa với thế giới.
Tổng thống Guyana Irfaan Ali cho rằng, Venezuela coi thường phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) Liên hợp quốc, trong đó kêu gọi Caracas kiềm chế và không làm thay đổi hiện trạng lãnh thổ tranh chấp với Georgetown cho đến khi tòa ra phán quyết cuối cùng.
Tổng thống Guyana Irfaan Ali đeo trên cổ tay bản đồ vùng Essequibo, nhằm thể hiện tinh thần kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. (Nguồn: PBS) |
Phản ứng quốc tế
Trước cuộc trưng cầu dân ý của Venezuela, Tòa án ICJ đã yêu cầu Venezuela kiềm chế, tránh đơn phương thay đổi hiện trạng, và định nghĩa chính xác về hiện trạng hiện nay là “Guyana thực hiện quản lý và kiểm soát hiệu quả đối với khu vực này (Essequibo)” .
Khối Thịnh vượng chung, Cộng đồng Caribe, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ và các tổ chức quốc tế khác đã đưa ra tuyên bố lên án “tính bất hợp pháp” của cuộc trưng cầu dân ý ở Venezuela và bày tỏ tình đoàn kết với Guyana. Hai nước lớn của châu Mỹ là Mỹ và Brazil thể hiện sự ủng hộ và cùng Guyana theo dõi chặt chẽ tình hình.
Bên cạnh đó, ngày 24/12/2023, Bộ Quốc phòng Anh cho biết nước này sẽ triển khai tàu hải quân ngoài khơi Guyana trong bối cảnh Georgetown tranh chấp biên giới với Venezuela. Tuyên bố chỉ rõ, tàu HMS Trent sẽ đến thăm đồng minh khu vực và đối tác Khối thịnh vượng chung Guyana nhằm thể hiện cam kết trong quá trình triển khai Sứ mệnh tuần tra Đại Tây Dương.
Phản ứng trước động thái trên, ngày 26/12, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino López khẳng định, quân đội nước này luôn trong trạng thái cảnh giác để bảo vệ vùng lãnh thổ Essequibo. Cùng ngày, Chủ tịch Nghị viện Mỹ Latinh của Venezuela Ángel Rodríguez lên án quyết định trên của Anh, cho rằng đây là hành động khiêu khích, đe dọa hòa bình khu vực.
Như vậy, tranh chấp vùng Essequibo bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính: phân định đường biên giới Schomburgk vào thế kỷ XIX và nguồn lực dầu mỏ dồi dào tại khu vực.
Trong đó, vấn đề dầu mỏ là tác nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng căng thẳng giữa hai nước trong những năm gần đây, khiến Venezuela đẩy mạnh việc khẳng định chủ quyền và vấp phải phản đối kịch liệt từ Guyana. Không chỉ vậy, các tổ chức quốc tế, cùng các nước lớn ở châu Mỹ, châu Âu còn bày tỏ sự ủng hộ với Georgetown và kêu gọi Caracas tránh leo thang xung đột, cũng như không thay đổi hiện trạng lãnh thổ tranh chấp.
| Nghị sĩ Thái Lan đề xuất giải quyết tranh chấp đền Preah Vihear với Campuchia Tranh chấp khu vực đền Preah Vihear vẫn là một điểm nóng trong quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á, Thái Lan ... |
| Xuất khẩu ngày 18-24/12: Thêm một loại quả đi đường chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; quốc gia nào đang mua mạnh tay 'vàng đen' của Việt Nam? Thêm một loại quả xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; doanh nghiệp xuất khẩu đạt gần 355 tỷ USD; quốc gia Đông ... |
| Tranh chấp vùng Essequibo dâng cao, Anh cử tàu tuần tra đến Guyana Ngày 24/12, Bộ Quốc phòng Anh cho biết nước này sẽ triển khai tàu hải quân ngoài khơi Guyana vào cuối tháng 12 này trong ... |
| Quân đội Venezuela khẳng định sẵn sàng đối diện thách thức trong tranh chấp vùng Essequibo Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino López tuyên bố, lực lượng vũ trang nước này sẵn sàng đối mặt với “những thách thức sắp ... |
| Từ bình minh vàng, lũy tre làng đến ngoại giao cây tre Vào ngày đầu tiên của năm 2024, trang tin Equilibrium Global (Argentina) đăng bài viết đánh giá cao trường phái “Ngoại giao cây tre Việt ... |