Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) gặp Tổng thống Frank-Walter Steinmeier tại Cung điện Bellevue ở Berlin hôm 16/12. (Nguồn: Reuters) |
Không hẹn mà rối
Ngày 16/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả 394 phiếu chống, 207 phiếu ủng hộ và 116 phiếu trắng đã chấm dứt chính phủ liên minh giữa đảng Dân chủ Xã hội (SDP), đảng Dân chủ tự do (FDP) và đảng Xanh do chính trị gia này lãnh đạo từ năm 2021.
Sau khi kết quả trên được công bố, ông Scholz đã yêu cầu Tổng thống Frank Walter Steinmeier chính thức giải tán Quốc hội và sớm ấn định ngày bầu cử. Dự kiến, cử tri Đức sẽ bỏ phiếu vào ngày 23/2/2025, sớm hơn bảy tháng so với kế hoạch ban đầu.
Tại Pháp, tình hình không khả quan hơn. Ngày 13/12, Tổng thống Emmanuel Macron chính thức bổ nhiệm Thủ tướng mới, qua đó, ông Francois Bayrou sẽ trở thành người thứ tư ngồi vào ghế nóng trong năm 2024.
Nhiệm vụ dành cho cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục là vô cùng nặng nề, khi ông phải đối mặt với một Quốc hội treo, áp lực ngày một lớn từ phe đối lập và một nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trước thềm cuôc bầu cử Quốc hội vào tháng 7/2025.
Ngọn lửa âm ỉ
Thực tế cho thấy, đây không phải diễn biến quá bất ngờ, nếu nhìn vào bối cảnh thế giới, khu vực cũng như vấn đề nội bộ của cả Đức và Pháp.
Ở bình diện thế giới và khu vực, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục đặt Pháp và Đức, hai quốc gia “đầu tàu” của châu Âu, vào thế khó. Một mặt, hai nước phải duy trì các lệnh trừng phạt Moscow và viện trợ cho Kiev, dù điều này ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của Berlin lẫn Paris, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
Tình hình tại Trung Đông đẩy giá vận tải hàng hóa lên cao, khiến lạm phát tại hai quốc gia này càng trở nên trầm trọng. Trong khi đó, việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không mấy mặn mà với Liên minh châu Âu (EU) càng khiến vai trò của Đức và Pháp trong khối này trở nên áp lực hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, những thách thức thực sự với chính phủ hai quốc gia nay lại đến từ bên trong. Sự nổi lên của chủ nghĩa cực hữu với đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) tại Đức và đảng Tập hợp quốc gia (RN) ở Pháp khiến các chính đảng truyền thống, bao gồm liên minh cầm quyền của ông Olaf Scholz và đảng Phục hưng của ông Emmanuel Macron mất không ít phiếu.
Song, đây chỉ là một phần câu chuyện. Rạn nứt xuất hiện tại Berlin từ năm 2021, thời điểm đảng Dân chủ Xã hội (SPD) liên minh với đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP) để thành lập chính phủ. Khi ấy, New York Times (Mỹ) cho rằng “mầm mống bất ổn” nằm ở sự khác biệt về quan điểm, khi SPD có quan điểm bảo thủ hơn so với FDP, vốn ưu tiên những chính sách kinh tế cởi mở và đảng Xanh, với trọng tâm là hướng tới bảo vệ môi trường.
Theo thời gian, mọi thứ càng trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt sau khi Tòa án Hiến pháp Đức phủ quyết nỗ lực của Berlin nhằm sử dụng 60 tỷ Euro, vốn được hoạch định để phòng chống đại dịch Covid-19 toàn cầu, vào mục đích khác.
Đặc biệt, những đấu đá nội bộ trong liên minh ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh chính phủ nói chung và các đảng này nói riêng. Mọi thứ trở nên không thể cứu vãn sau khi ông Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, lãnh đạo FDP, qua đó đánh mất sự ủng hộ cần thiết để duy trì chính phủ. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm ngày 16/12 có lẽ là điều ông đã biết từ trước.
Trong khi đó, ở Pháp, chính đảng Phục hưng của ông Macron đang “mất điểm” khi không thể thông qua nhiều chính sách quan trọng do sự cản trở của các đảng đối lập, gần đây nhất là ngân sách cho năm 2025. Tình hình kinh tế - xã hội của nước này cũng đối mặt nhiều thách thức: Thống kê mới nhất cho thấy thâm hụt ngân sách của Pháp đã đạt 6,1% GDP, cao gấp đôi so với quy định của EU. Làn sóng người nhập cư bất hợp pháp, tỷ lệ thất nghiệp tăng trong khi tăng trưởng kinh tế được dự báo chỉ 1% (2025) mang theo không ít bài toán khó.
Tương lai mơ hồ
Sự thay đổi ở cấp lãnh đạo tại Pháp và Đức, hai quốc gia có ảnh hưởng hàng đầu tại EU, sẽ để lại nhiều tác động tới châu Âu nói chung và thế giới nói riêng. Màn thể hiện của chính phủ mới tại Pháp vẫn còn là ẩn số. Song, chắc chắn rằng chính phủ lâm thời tại Đức sẽ khó có thể đưa ra các quyết sách quan trọng. Trong bối cảnh xung đột Ukraine đến thời điểm then chốt và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được cho là sẽ kêu gọi Kiev ngồi vào bàn đàm phán, sự bất ổn ở hai quốc gia lãnh đạo EU có thể đẩy quốc gia Đông Âu vào tình thế khó khăn hơn.
Ngoài ra, việc cả Pháp và Đức đối mặt với bất ổn chính trị có thể khiến vai trò của khối suy giảm. Hiện ông chủ sắp tới của Nhà Trắng tỏ ra không quá sốt sắng trong hợp tác với EU. Các nỗ lực của khối về “tự chủ chiến lược”, đa dạng hóa hợp tác kinh tế, đặc biệt là về năng lượng, với đối tác ngoài khu vực chắc chắn là không đủ để thay thế Mỹ, hay thậm chí là Nga trong lĩnh vực năng lượng.
Ngược lại, cần nhìn nhận rằng đây cũng là cơ hội để các quốc gia khác trong khối có vai trò lớn hơn. Một Italy ổn định về kinh tế - xã hội cùng Thủ tướng Giorgia Meloni, nhà lãnh đạo có cách tiếp cận vấn đề thực tế, được đánh giá là nhân tố tích cực để EU xây dựng quan hệ với nước Mỹ dưới thời ông Trump. Trong khi đó, Hà Lan dưới thời ông Mark Rutte và nay là Thủ tướng Dick Schoof, đang có vai trò ngày càng lớn trong các quyết sách của EU. Tuy nhiên, liệu chừng đó có đủ để lấp đầy khoảng trống mà sự bất ổn của Pháp và Đức để lại?
| Tân Thủ tướng Pháp ngồi 'ghế nóng' giữa ngàn chông gai, đối mặt 'lằn ranh đỏ' của phe đối lập, làm thế nào để đoàn kết thay vì chia rẽ? Ngày 13/12, chính trị gia trung dung kỳ cựu Francois Bayrou đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm làm Thủ tướng, giữa lúc ... |
| Hungary nói kinh tế châu Âu 'gặp nạn' khi dừng mua khí đốt Nga, EU đang phải trả giá cao Ngày 9/10, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, việc Liên minh châu Âu (EU) dừng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga đã ... |
| Ngành công nghiệp châu Âu: Cơn đau đầu thoáng qua? Những “cú trượt dốc” của ngành công nghiệp châu Âu lừng lẫy một thời có lẽ sẽ giống như một “cơn đau đầu” thoáng qua? |
| Ukraine duyệt chi ngân sách khủng để sản xuất và mua vũ khí, thiếu đâu đi vay, Đan Mạch hối thúc châu Âu 'lên tiếng' Quốc hội Ukraine đã chính thức phê duyệt ngân sách quốc gia năm 2025, theo đó, bổ sung thêm tiền cho các nỗ lực quốc ... |
| Một nước châu Âu thông báo có thể dừng vận chuyển khí đốt Nga Ngày 10/12, Bloomberg đưa tin, Bulgaria thông báo có thể tạm dừng việc vận chuyển khí đốt Nga sang Trung Âu nếu Gazprom không tìm ... |