📞

Algeria: “Đói” hàng nhập

12:21 | 23/03/2009
Xu thế nhập khẩu của Algeria, thị trường với dân số 35 triệu người và thu nhập bình quân xấp xỉ 4.000 USD ngày một tăng mạnh. Nhu cầu của Algeria đối với nhiều sản phẩm của Việt Nam là phù hợp và có ý nghĩa lâu dài vì nước này không tự sản xuất hoặc sản xuất rất ít.
 

Nguồn thu nhập của nền kinh tế Algeria chủ yếu dựa vào trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 13 thế giới (khoảng 12 tỉ thùng) và trữ lượng khí đốt đứng thứ 7 (4.546 tỉ m3). Sản xuất hiện tại của Algeria đạt 1,45 triệu thùng dầu thô/ngày, 62 tỉ m3 khí đốt/năm và lọc dầu đạt 0,45 triệu thùng/ngày. Dầu và khí chiếm khoảng 98% trị giá xuất khẩu hàng năm (khoảng 80 tỉ USD). Bởi vậy, Algeria có nguồn dự trữ ngoại tệ khá dồi dào (135 tỉ USD), tương đương khoảng 4 năm nhập khẩu liên tiếp của nước này.

 

Nền kinh tế thị trường rộng mở và chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân ở Algeria là tác nhân khiến kim ngạch nhập khẩu của Algeria gần đây tăng nhanh đột biến. Năm 2007 tăng 18%, đạt 25 tỉ USD; năm 2008 tăng khoảng 44%, đạt 38 tỉ USD – con số kỷ lục kể từ năm 1962. Vài năm tới, xu thế nhập khẩu của Algeria theo dự báo vẫn tiếp tục tăng, đạt mức khoảng 40 tỉ USD/năm.

 

Theo số liệu của hải quan Algeria, có những cơ hội rất rõ nét trên thị trường này và không thể bỏ qua. Trong 7 nhóm hàng nhập khẩu của Algeria trong 8 tháng đầu năm 2008, lương thực thực phẩm tăng 76%, thiết bị công nghiệp tăng 51%, sản phẩm thô tăng 11%, hàng tiêu dùng tăng 16%. Cụ thể, một số mặt hàng như cà phê tăng 42%, ngũ cốc tăng 46%, gạo tăng 86%, tiêu tăng 145%, may mặc 18%...

 

Ngoài ra, Algeria cũng phụ thuộc khá nhiều vào một số mặt hàng chiến lược như sắt, thép, xi măng... Theo số liệu của Liên minh sắt thép các nước Ảrập, mặc dù Algeria có nguồn quặng sắt có thể khai thác được lên đến 86 triệu tấn, nhưng sản lượng sắt thép lại không vượt quá 1,5 triệu tấn và vẫn phải nhập từ 3,5-4 triệu tấn/năm. Năng lực sản xuất xi măng của Algeria cũng chỉ đạt khoảng 15,5 triệu tấn, trong khi đó, nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng này là khoảng 18,5 triệu tấn, ước tính trong năm 2009, nước này sẽ thiếu khoảng 3 triệu tấn. Algeria đang triển khai Chương trình phát triển kinh tế xã hội do Chính phủ khởi xướng với tổng số vốn đầu tư cho việc phát triển cơ sở hạ tầng là 25 tỉ USD cho giai đoạn 2005–2009. Trong khi chờ đợi các nhà máy được xây dựng, thì nguồn xi măng thiếu hụt tiếp tục phải trông chờ vào việc nhập khẩu từ các nước khác.

 

Các sản phẩm của Việt Nam có vị trí tương đối vững chắc trên thị trường Algeria là cà phê, năm 2008 đạt khoảng 82 triệu USD, gạo khoảng 11,5 triệu USD, hạt tiêu khoảng 2,2 triệu USD, cá đông lạnh khoảng 2,7 triệu USD, máy móc thiết bị khoảng 1,3 triệu USD. Hầu hết các sản phẩm đều có tốc độ tăng trưởng rất cao so với năm 2007, từ 60% đến 660%. Tuy nhiên, tổng trị giá hàng xuất của Việt Nam mới chỉ đạt một phần rất nhỏ bé trong tổng trị giá nhập khẩu của Algeria (100 triệu/38.000 triệu USD = 0,26%).

 

Theo các chuyên gia Algeria, để tận dụng và phát huy được cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường hơn nữa giao dịch chào bán trực tiếp (giảm xuất qua trung gian), sử dụng ngôn ngữ phù hợp (tiếng Pháp), đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại sang thị trường, áp dụng các phương thức thanh toán linh hoạt...

 

Minh Anh