Tôi luôn mong mỏi có dịp đón một cái Tết ở miền Nam, để cảm nhận và được cùng người miền Nam “lắng nghe mùa Xuân về”. Trong khi cả miền Bắc đắm chìm trong cái rét đậm và mưa phùn thì tôi lại có chuyến đi tới phương Nam đầy nắng. TP. Hồ Chí Minh từ từ hiện ra trong cái nắng chan hòa khiến tôi vừa hân hoan, vừa xúc động.
Những người Sài Gòn tôi gặp và chuyện trò trong suốt hành trình du Xuân đã cho tôi một cảm nhận: Bên cạnh sự thân thương, hiếu khách mà tôi từng biết thì giờ đây, sự chia sẻ trong cộng đồng lớn hơn bao giờ hết. Như câu nói đã trở nên quen thuộc với người Sài thành: “Sống yêu thương - Chết thanh thản. Niềm vui để lại - Giận hờn mang theo”.
Tác giả, bà Nguyễn Thị Mùi - Việt kiều Canada, ông Âu Văn Khiêm - cựu chiến binh chiến trường miền Tây Nam, ông Văn Tiến - em trai bà Mùi. (Ảnh: Nguyễn Mạnh Cường) |
Bốn phương đón Tết một nhà
Đến chơi nhà một người bạn, tôi tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Mùi, một người Việt ở Canada vừa mới cùng gia đình về Việt Nam ăn Tết. Bà chia sẻ: “Mẹ tôi từng là con gái làng Diễn ở Hà Nội. Năm 1954, mẹ tôi theo chồng vào đây sinh sống. Ở Sài Gòn, mẹ tôi mưu sinh nhờ gánh bún ốc tần tảo và nuôi dạy chín người con ăn học nên người”.
Giờ đây, dù ở đâu thì các anh chị em trong gia đình bà Mùi vẫn cố gắng thu xếp để về TP. Hồ Chí Minh đón Xuân. Trong không khí bữa cơm chiều ngày cuối năm ở Sài thành, tôi càng thấu hiểu hơn cái phong vị Tết nó đậm đặc thế nào trong trí nhớ người xa quê.
Tay vừa múc bát canh măng chuẩn gia vị miền Bắc đặt giữa mâm cơm, bà Mùi cất giọng trầm ấm chia sẻ: “Thời tiết trong Nam thường nóng nhưng hầu như Tết nào tôi cũng nấu canh măng và thịt đông. Mẹ tôi đã dạy tôi nấu đấy. Mẹ tôi nói, cỗ Tết miền Bắc là phải có bát canh măng và thịt đông. Bà nấu thịt đông không chỉ vì chúng tôi thích, mà có lẽ mẹ vẫn hay nhớ về cái phong vị Tết lành lạnh miền Bắc khi xưa. Năm nay có các cháu ngoài Bắc vào chơi ăn Tết, rồi con cháu từ nước ngoài về, thật đúng là bốn phương về chung một nhà”.
Càng nhớ về cái Tết trong ký ức của mẹ mình, bà Mùi càng vui hơn: “Mẹ tôi nói, cỗ Tết ngoài Bắc phải có 10 món: bánh chưng, gà luộc ăn kèm xôi gấc, thịt đông ăn kèm dưa hành, giò lụa, nem rán, canh măng, bát miến và thịt đông. Tết miền Nam không khác nhiều, cũng có gà luộc, giò, nem, chỉ có một số món khác thay thế vì thời tiết trong này khác ngoài kia. Bánh chưng thay là bánh tét, củ kiệu giống dưa hành muối, canh khổ qua thay canh măng… Ngoài ra thì cỗ Tết Sài Gòn có thêm mấy món như lạp xường, thịt kho tàu thôi”.
Mấy năm vừa rồi, bà Mùi ăn Tết bên Canada cùng với gia đình con gái: “Có lẽ mình cũng chưa quen ăn Tết Tây và bên đó họ không cầu kỳ phức tạp. Các gia đình ít mua sắm, dù cũng có làm tiệc, nhưng đơn giản thôi. Ngày Giáng sinh thì có đông vui hơn một chút”.
Thấy tôi tư lự lắng nghe, như sợ tôi nhớ nhà, bà Mùi cầm tay tôi ân cần hỏi han: “Tết này ngoài Bắc có lạnh lắm không con? Ở vùng cao nghe nói bị rét đậm, rét hại không? Dịch bệnh ngoài đó giờ thế nào rồi?”…
Nhắc đến dịch Covid-19, không khí cả nhà chợt trầm xuống vì nhớ đến những ngày tháng đầy màu xám vừa qua của Sài Gòn. Trong khi hàng chục nghìn bệnh nhân Covid-19 đã không qua khỏi trong đợt dịch oan nghiệt vừa qua, gia đình bà may mắn vẫn được bình an.
Trong chuyến trở về này, bà Mùi cùng em trai đã tham gia các buổi cầu siêu cho những người xấu số trong đợt dịch và cầu bình an cho toàn thể gia đình. Năm nay, các nhà thờ và các chùa chiền khắp thành phố, đều dành một buổi cầu siêu như vậy.
Thịt kho hột vịt, món đặc trưng ngày Tết của người phương Nam. (Ảnh: Nguyễn Văn) |
Ấm lòng tình làng, nghĩa xóm
Chúng tôi vừa làm vừa trò chuyện, bữa ăn ngày Tết chỉ một loáng đã chuẩn bị xong. Con cháu trong gia đình, bạn bè và hàng xóm láng giềng ngồi kín mấy mâm cơm.
Tiếng chúc mừng năm mới rôm rả. Ông Văn Tiến, em trai bà Mùi chia sẻ: “Ở bên kia, nghe tin Covid-19 ở Việt Nam, rồi nặng nhất là ở TP. Hồ Chí Minh, mọi người ai nấy đều sốt ruột. Các gia đình người Việt ở Canada đã tổ chức kêu gọi hỗ trợ, tương thân, tương ái để chuyển về góp phần kiềm chế dịch bệnh nơi quê nhà.
Với ánh mắt biết cười, bà Mùi chia sẻ: “Tết nào tôi cũng thèm cái không khí chuẩn bị cúng ông bà tổ tiên. Mọi người ở xa về ấm cúng, anh chị em quây quần, cháu con đông vui. Mọi người gặp nhau sẽ thấy hạnh phúc hơn, tình cảm gia đình cũng khăng khít, bền chặt hơn. Ngay như những hàng xóm trong khu phố này, còn chưa biết hết tên nhau nhưng sau đợt dịch Covid-19 thì chia sẻ với nhau như anh em trong nhà. Ngày Tết là mời nhau đến uống cốc bia, ăn miếng bánh… mừng Xuân”.
Ông Âu Văn Khiêm, một cựu chiến binh chiến trường miền Tây Nam chia sẻ: “Cái Tết cổ truyền của mình ý nghĩa lắm, dù đi đâu, ở đâu cũng không thể phai mờ. Giới trẻ ngày nay có xu hướng thích ăn Tết bằng cách đi du lịch, nhưng đi chán rồi chúng sẽ thấy thèm cảm giác ở nhà sum vầy với gia đình, họ mạc.
Những ngày cuối năm, dù có phải đi lại xa xôi, vất vả đến mấy vẫn muốn lên đường về đoàn tụ gia đình, gặp mặt đầy đủ cô dì, chú bác... Con người ta, dù giàu hay nghèo, thành công hay thất bại thì năm hết Tết đến mà trở về với gia đình cũng giống như được chữa lành”.
Với ông Khiêm, đợt dịch ở Sài Gòn vừa qua chẳng khác nào một chiến dịch ác liệt trong đời quân ngũ của ông. Người Sài Gòn vốn sống giản đơn, vui vẻ, náo nhiệt. Sài Gòn đẹp là vậy mà thật không ngờ có lúc buồn ghê gớm.
Đó là lý do mà năm nay các đình, chùa hay nhà thờ… ở các khu dân cư đều làm lễ tưởng niệm những nạn nhân Covid-19. Chính quyền địa phương đều tổ chức các hoạt động tri ân các cán bộ, chiến sĩ, các y bác sĩ, các tình nguyện viên ở tuyến đầu chống dịch.
Nâng cốc bia mát lạnh, ông Khiêm quay sang nói với các gia đình hàng xóm qua ngồi chơi: “Cái Tết năm nay thật đặc biệt. Còn được ăn Tết bên nhau là hạnh phúc nhất. Con Covid đã cho thấy con người cần nhau đến nhường nào, bà con ạ!”.
Ông nghẹn lời: “Nhiều gia đình sống cạnh nhau mà có khi cả năm chẳng sang nhà nhau chơi. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng nổ thì tất cả 700 hộ dân trong khu phố đã lập nhóm chia sẻ để xem nhà nào thiếu gì, người nào bị sao, cần hỗ trợ gì không… Những nhà có người bị Covid-19 phải cách ly thì các nhà khác mua thức ăn mang đến cho. Thời điểm các bệnh viện quá tải, nhiều gia đình không đến được bệnh viện, có gia đình không còn tiền… thì đều nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các hộ dân trong nhóm”.
Cứ thế, câu chuyện rôm rả ngày Xuân gần như chẳng có kết thúc. Ông Khiêm bảo: “Người Việt Nam mình là thế, càng trong gian khổ càng biết yêu thương nhau. Đợt dịch vừa rồi khiến tôi nhớ lại hồi đi bộ đội ở Campuchia, mình bị sốt rét thì các bạn cùng tiểu đội thay nhau giúp giặt đồ, lau người cho nhau, chia sẻ với nhau từng miếng cơm, manh áo. Nay giải ngũ rồi, chúng tôi vẫn giữ liên lạc, tình cảm rất là thân thương. Cảm nhận về tình làng, nghĩa xóm năm nay thật giống như vậy”.
Sau bữa cơm trưa kéo dài đến giữa buổi chiều, chúng tôi tranh thủ đi dạo phố trong cái nắng vàng rộn rã nhưng lại có gió mát rượi của phương Nam.
Qua đường hoa Nguyễn Huệ đẹp rực rỡ, rồi bồng bềnh theo tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà, xe tôi chạy theo con đường Mùng 3/2 đến Ngôi chùa Việt Nam Quốc tự ở quận 10 để tham dự lễ cầu siêu tại đây.
Ngắm nhìn những gương mặt người Sài Gòn du Xuân, ngắm nhìn hoa mai vàng bung nở rực rỡ trước cổng chùa, tôi cảm thấy thật ấm áp vì Thành phố mang tên Bác dường như kiên cường hơn, rắn rỏi hơn và đang náo nhiệt trở lại.