Từ 2005 đến nay, chương trình "Giai điệu mùa thu" của TP. Hồ Chí Minh quy tụ khá đầy đủ các tài năng trẻ nhạc cổ điển đang làm việc ở nước ngoài về biểu diễn. Những hoạt đồng này cũng đã tạo ra những đêm nhạc cổ điển có chất lượng nghệ thuật cao, nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở thời vụ hoặc định kỳ mỗi năm một lần, chưa tạo một vị trí đáng kể cho nhạc cổ điển trong bức tranh âm nhạc chung của Việt Nam.
Không có "đất" diễn
TP. Hồ Chí Minh - "mảnh đất" màu mỡ và là "bước đệm" thành danh của các ca sĩ trẻ của dòng nhạc nhẹ vào nghề, thì ngược lại với âm nhạc cổ điển, nơi đây chỉ duy nhất có Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch (trực thuộc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh). Sẽ rất khập khiễng, nhưng phải chấp nhận một sự thật hiểu nhiên, rằng hàng đêm ở thành phố sôi động này có tới gần chục tụ điểm biểu diễn nhạc nhẹ, thì với âm nhạc cổ điển lại có định kỳ 2 điêm diễn một tháng. Bởi một buổi diễn nhạc giao hưởng, số lượng nghệ sĩ, nhạc công lên tới cả trăm người, giá vé không thể bán cao hơn so với các sân khấu nhạc trẻ, khán giả quá ít và mỗi tháng chỉ biểu diễn tối đa năm hoặc bảy đêm, nên người nghệ sĩ không thể sống được với nghề.
Hà Nội, điểm mặt có: Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng (thuộc Nhạc viện Hà Nội). Mỗi dàn nhạc này đều có địa điểm diễn nhất định. Tuy nhiên, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn là điểm diễn hoành tráng nhất và thường xuyên nhất cho các chương trình được dàn dựng công phu, có chỉ huy hoặc nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn.
Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn là điểm diễn hoành tráng nhất và thường xuyên nhất cho các chương trình được dàn dựng công phu, có chỉ huy hoặc nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn |
Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá ngang tầm với các dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng trong châu lục. Lịch biểu diễn của Dàn nhạc cũng đáng kể, trung bình mỗi tháng đến từ 4 - 5 buổi, có những tháng Dàn nhạc diễn tới 9 buổi (theo lịch diễn của Dàn nhạc năm 2008). Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam lại được đánh giá cao vào bậc nhất của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên "cái nhất" của Nhà hát này lại là nhạc kịch chứ không phải nhạc giao hưởng. Còn Dàn nhạc giao hưởng (Nhạc viện Hà Nội) thì được biết đến ít hơn, biểu diễn thưa hơn, bởi hầu hết các nghệ sĩ của Dàn nhạc còn phải làm công tác giảng dạy.
Công chúng quá ít làm cho số lượng đêm diễn không thể nhiều. Đó là đặc điểm căn bản của nghệ thuật âm nhạc cổ điển nước ta hiện nay. Có đôi lần tôi được nghe ai đó nói rằng, nhiều người rất thích đi xem biểu diễn âm nhạc cổ điển, nhưng với điều kiện... được tặng vé miễn phí.
Thực chất, thì giá vé xem loại hình âm nhạc này ở nước ta là thấp so với số lượng nghệ sĩ biểu diễn cũng như giá trị nghệ thuật đích thực của nó. Nhưng một vé có giá 200.000, 150.000... lại là quá cao so với thu nhập chung của người Việt Nam. Đứng trước cổng rạp hát, thì đa phần là người nước ngoài mua vé vào xem âm nhạc cổ điển...
"Chảy máu" nguồn nhân lực
NSƯT Thiếu Hoa trăn trở, bất kể ai cũng muốn được phục vụ Tổ quốc, nhưng đời sống âm nhạc cổ điển VN hiện nay cũng như công việc giảng dạy của những người thực sự có tài đang rơi vào tình trạng bế tắc |
Sự nhận thức chưa đầy đủ về âm nhạc cổ điển, theo NSƯT Thiếu Hoa - Trưởng khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy Nhạc viện quốc gia Việt Nam, cũng là lỗi từ việc giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông, gần như học sinh không được tập nghe và làm quen với loại âm nhạc này.
Cũng là thực tế đào tạo ở các trường nhạc đang phải đối mặt với bài toán không dễ giải: các môn học thanh nhạc, sáng tác, piano "đầu vào" khá rầm rộ; còn violon, kèn, hòa tấu thính phòng... - nguồn nhân lực cơ bản tạo nên dàn nhạc giao hưởng thì "đỏ mắt" trông thí sinh thi vào.
Tâm lý học gì mà không xin được việc làm thì dĩ nhiên sẽ không có ai chọn để mà học. Người học nhạc ít dần, nhiều khoa như: hòa tấu thính phòng, nhạc cụ dân tộc... có những năm không có thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký học. Vì thế mà cuộc thi Concours Mùa thu 2007 sau 14 năm mới được tổ chức lại cũng bởi lý do thiếu thí sinh dự thi.
Nhạc sĩ Đăng Thái Sơn và dàn nhạc giao hưởng VN |
Ở Việt Nam, so với các lĩnh vực nghệ thuật khác, âm nhạc cổ điển được đầu tư rất lớn (thời gian đào tạo trung bình từ 7 đến 10 năm), lực lượng giáo sư đầu ngành có số lượng nhiều nhất so với các loại nghệ thuật khác. Nhưng chế độ lương bổng, chính sách không thỏa mãn, thậm chí là quá thấp.
So với nước bạn Thái Lan trả lương cho giáo viên dạy nhạc cổ điển là 1.000 USD/tháng, còn ở Việt Nam thì chưa được 200 USD/tháng. Trong khi đó, lượng vật chất, lượng thời gian mà nghệ sĩ theo đuổi loại hình nghệ thuật này quá tốn kém. Và tình trạng "chảy máu" chất xám, nguồn nhân lực loại hình nghệ thuật này đã và đang diễn ra.
Đó là những mầm năng khiếu xưa kia, nay đã thành danh tại các nước khác như: Nguyễn Hữu Nguyên, Nguyễn Hữu Khôi Nam (Pháp), Hoàng Linh Chi (Tây Ban Nha), Văn Hùng Cường, Quốc Trường (Mỹ), Bích Trà (Anh), Trần Hữu Quốc (Hàn Quốc), Đặng Thái Sơn... Tất cả họ đều có chỗ đứng - dù cao hay thấp ở các nước trên thế giới.
Không có gì có thể thay thế được âm thanh thật, con người biểu diễn thật; làm sao có thể nhấn chìm được tình cảm, tâm hồn của nghệ sĩ biểu diễn... và dần dần âm nhạc cổ điển đã trở lại với giá trị đích thực của nó |
NSƯT Thiếu Hoa trăn trở, bất kể ai cũng muốn được phục vụ Tổ quốc, nhưng đời sống âm nhạc cổ điển Việt Nam hiện nay cũng như công việc giảng dạy của những người thực sự có tài đang rơi vào tình trạng bế tắc. Kiểu đời sống âm nhạc như vậy thì tài năng sẽ đi mất, và chúng ta đã và đang đào tạo không công cho các nước khác. Bà Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Con số mà các tài năng trẻ đi ra nước ngoài trong vòng 4 năm nay là khoảng 120 người".
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nghệ thuật này vẫn âm ỉ sống. Thế giới khẳng định rằng: không có gì có thể thay thế được âm thanh thật, con người biểu diễn thật; làm sao có thể nhấn chìm được tình cảm, tâm hồn của nghệ sĩ biểu diễn... và dần dần âm nhạc cổ điển đã trở lại với giá trị đích thực của nó, đồng thời thu hút được khán giả.
Theo điều tra trên thế giới, các nước càng văn minh, thịnh vượng thì âm nhạc cổ điển rất phát triển, điển hình là các nước châu Âu, Mỹ... âm nhạc cổ điển có vị trí rất lớn trong lòng công chúng. Hy vọng trong tương lai không xa, âm nhạc cổ điển Việt Nam (trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển và hội nhập) sẽ có chỗ đứng trong lòng công chúng.Theo Nhà Báo và Công Luận