Toàn cảnh nhà tù Hỏa Lò nhìn từ trên cao. (Nguồn: Sở VHTT Hà Nội) |
Qua bao biến cố lịch sử, nhà tù Hỏa Lò, nơi từng giam giữ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, không chỉ là chứng nhân của những câu chuyện bi tráng mà còn là biểu tượng lịch sử của lòng yêu nước và ý chí kiên cường của dân tộc. Ngày nay, di tích lịch sử này không chỉ kể lại những trang sử hào hùng mà còn truyền cảm hứng sâu sắc về giá trị của tự do và hòa bình.
Thực dân Pháp xâm lược nước ta, đặt ách cai trị lên vùng đất chiếm đóng của chúng. Bè lũ tay sai cấu kết ra sức phục vụ cho giặc để cùng nhau đàn áp người dân không chịu áp bức, bóc lột, không chịu làm nô lệ... Cùng với bộ máy khủng bố, kìm kẹp vô cùng tàn bạo, thực dân Pháp đã cho xây dựng nhiều nhà tù để giam giữ, tra tấn, khai thác những người dân yêu nước chống đối. Vì vậy, chúng dành nhiều công sức để xây dựng một nhà tù kiên cố nhất thời đó là nhà tù Hỏa Lò.
Những câu chuyện bi tráng
Năm 1896, thực dân Pháp xây dựng ở giữa lòng Hà Nội một nhà tù với các nguyên vật liệu chủ yếu được đưa từ Pháp sang như xi măng, sắt thép... đến năm 1901 hoàn thành và chúng đặt tên là “Nhà lao Trung ương” (Maison Centrale).
Nơi đây đã giam cầm, đày đọa các nhà yêu nước của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 như các ông: Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc. Năm 1908, đây là nơi giam giữ các thành viên của Đông Du, Duy Tân do ông Phan Bội Châu lãnh đạo, trong đó có các chiến sĩ đã anh dũng ám sát tuần phủ Nguyễn Duy Hàn, gài chất nổ giết sĩ quan Pháp tại khách sạn Hà Nội - số 2 phố Nguyễn Khắc Cần, có bảy người lãnh đạo vụ ám sát giặc Pháp ở thành Hà Nội nhằm phối hợp với nghĩa quân Đề Thám. Thực dân Pháp đã chém đầu họ ngay trước cổng Hỏa Lò để uy hiếp quần chúng yêu nước. Năm 1925, chúng bắt ông Phan Bội Châu từ Trung Quốc về đây giam giữ. Năm 1930, cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, phía Pháp bắt giam các lãnh tụ Quốc dân Đảng như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu giam giữ, tra tấn dã man tại đây, rồi đưa lên Yên Bái xử chém.
Ngày ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) là lúc thực dân Pháp và bè lũ tay sai ra sức đàn áp khốc liệt các thành viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, các đảng viên cộng sản, những người yêu nước khác, nhất là thời kỳ sau cuộc khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh...
Nhà tù Hỏa Lò là nơi giam cầm, đày đọa những người hoạt động cách mạng, người dân yêu nước. Tại đây, khi kẻ thù muốn dìm cách mạng trong biển máu, chúng đã dở đủ thủ đoạn tàn bạo nhất để uy hiếp phong trào. Song, chúng càng khủng bố dã man thì người tù cách mạng càng hăng hái đấu tranh. Những người đảng viên cộng sản bị giam cầm lập ra Chi bộ Đảng trong tù, kịp thời lãnh đạo đấu tranh, giữ vững khí tiết, tuyệt đối trung thành, tổ chức những cuộc chống đối sự đàn áp khốc liệt khiến kẻ thù phải kiêng nể...
Những đồng chí bị địch giam giữ ở đây phần lớn là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta như Nguyễn Phong Sắc, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Tô Hiệu, Tống Văn Trân, Trịnh Đình Cửu, Lê Duẩn, Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng... Giặc Pháp điên cuồng chém đầu đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn là một đảng viên trẻ mới 17 tuổi ngay tại nơi này. Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương bị giam giữ ở đây, trước khi giặc Pháp đem đồng chí đi bắn tại trường bắn Hoàng Mai.
Sau Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, kẻ địch bị Trung đoàn Thủ đô kìm chân tại Hà Nội 60 ngày đêm quyết tử. Khi quân ta rút lui để bảo toàn lực lượng, quân Pháp chiếm đóng Hà Nội, tiếp tục dùng nơi đây để giam cầm, đày đọa hàng nghìn cán bộ, bộ đội và đồng bào yêu nước...
Tinh thần cách mạng bất khuất
Kẻ thù dùng mọi thủ đoạn tàn bạo, đê tiện nhất để đàn áp những người yêu nước, những người cộng sản. Chúng tưởng chỉ bằng máy chém, súng đạn, roi vọt, kìm kẹp, gông xiềng và hành hạ người tù để chết dần, chết mòn trong ngục tối... là đè bẹp lý tưởng đấu tranh, ý chí yêu nước kiên trung, bất khuất của họ. Mọi trò ác độc, nham hiểm không làm người tù cách mạng bị khuất phục, họ càng quật cường, gan dạ và đấu tranh anh dũng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng quang vinh.
Những người tù cộng sản biến “địa ngục trần gian” thành nơi rèn luyện và là trường học cách mạng đào tạo nhiều đồng chí trưởng thành, dẫn dắt phong trào cách mạng nước ta. Các báo viết như: Lao tù tạp chí, Đời tù (1930-1945), Tiếng tù (1947-1954) đã ra đời nơi ngục tù tăm tối... Các bài viết tuyên truyền giác ngộ quần chúng, kêu gọi lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết đấu tranh chống chế độ hà khắc của địch trong nhà tù, vạch trần những thủ đoạn tàn ác, thâm độc của chúng...
Những ngày kỷ niệm cách mạng là dịp thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí kiên trung, bất khuất, một lòng một dạ vì cách mạng, vì Tổ quốc... Họ hát vang những bài ca cách mạng như: Cùng nhau đi hùng binh, Quốc tế ca, Tiến quân ca... Họ hô vang những khẩu hiệu động viên tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng.
Những hoạt động đó, những âm thanh ấy đã vượt qua tường rào cao kiên cố ra ngoài đường phố để nhân dân Hà Nội nghe và thêm tin tưởng vào cách mạng.
Có khoảng 200 đồng chí đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh khốc liệt giữa những người tù tay không bị kìm kẹp, đọa đầy nơi ngục tối với kẻ thù tàn bạo, đàn áp, giết chóc không ghê tay, chúng đã chém đầu, xử bắn, đánh đập, tra tấn, bỏ đói, cho ăn cơm gạo mục, cá thối...
Không ngại hy sinh, các đồng chí đã mưu trí dũng cảm tổ chức các cuộc vượt ngục thành công. Có hàng trăm đồng chí thoát khỏi ngục tù, trở về tiếp tục hoạt động cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình, Đỗ Mười...
Nhà tù Hỏa Lò, từ nơi giam cầm những người tù cách mạng trở thành nơi rèn luyện tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường với kẻ địch, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ trưởng thành từ những hy sinh anh dũng bất khuất đó. Nhiều đồng chí trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, lãnh đạo đất nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước như các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười. Có nhiều đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương của Đảng ta.
Ngày nay, nhà tù Hỏa Lò là di tích lịch sử, nơi giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. (Ảnh: Diệu Linh) |
Từ “địa ngục trần gian” đến di tích lịch sử
Giặc Pháp rút khỏi miền Bắc, nhà tù Hỏa Lò được sử dụng làm nơi giam giữ những kẻ chống phá Nhà nước, cách mạng, tội phạm hình sự...
Khi Đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, mở rộng cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc, giặc lái Mỹ trở thành “khách không mời mà đến” với “khách sạn” Hilton Hà Nội. Hỏa Lò đã đón hàng trăm “khách” tại đây. Với chính sách nhân đạo của Nhà nước, nhiều tù binh Mỹ đã hiểu và ân hận vì những tội ác gây ra cho một dân tộc anh hùng, yêu quý hòa bình, tự do hơn bất cứ ai, họ trở thành người ủng hộ chúng ta sớm thống nhất đất nước và xây dựng Việt Nam hòa bình, thịnh vượng...
Giờ đây, để xây dựng và phát triển đất nước, nhà tù Hỏa Lò trở thành một di tích cách mạng, nơi lưu giữ những hiện vật, những hình ảnh nói lên một phần tội ác của thực dân Pháp, ca ngợi tinh thần đấu tranh kiên cường, mưu trí, dũng cảm của những người yêu nước, của các đảng viên cộng sản ưu tú...
Ngày 30/1/2011, Nhà nước có quyết định số 161/QĐ-CTN đã phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại nhà lao Hòa Lò (giai đoạn 1930-1954).
Nơi đây là một địa chỉ đỏ của Thủ đô Hà Nội, sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho hôm nay và mai sau.
(*) Thường trực Ban liên lạc cựu chiến binh Ban liên hợp quân sự trại Davis.
| Tái hiện những bước phát triển mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội qua triển lãm Triển lãm "Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển" là bức tranh toàn diện, ... |
| Bài 1: Thủ đô Hà Nội - niềm tự hào và động lực phát triển của đất nước Việc giữ gìn cốt cách văn hóa truyền thống, đồng thời hòa nhập với dòng chảy hiện đại là điều hết sức quan trọng, nhất ... |
| Bài cuối: Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, nơi kết tinh sức mạnh văn hóa Việt Nam Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và bền vững để giữ gìn, lan tỏa những giá trị văn hóa đặc trưng của Hà ... |
| Định vị thương hiệu Thủ đô qua phẩm chất thanh lịch của người Hà Nội Hào hoa, thanh lịch là nét văn hóa ứng xử có tính chuẩn mực của người Hà Nội xưa và nay, trở thành một thương ... |
| Du lịch Hà Nội: Ghé thăm Thăng Long tứ trấn linh thiêng trong lòng Thủ đô 4 ngôi đền thiêng: Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên, Quán Thánh được xây dựng với mục đích trấn yểm, bảo vệ kinh thành Thăng ... |