Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chủ trì Họp báo về AMM-53 và các Hội nghị liên quan. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tham dự cuộc họp báo có Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cùng đông đảo các phóng viên báo chí Việt Nam và quốc tế. Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi dự họp báo bằng hình thức trực tuyến.
Phần đầu buổi Họp báo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thông tin về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan, cụ thể:
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan được tổ chức trực tuyến từ 9-12/9 đã thành công tốt đẹp với sự tham dự, đóng góp tích cực của Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN và đối tác, Tổng Thư ký ASEAN và các khách mời.
Thành công của Hội nghị AMM-53 và các Hội nghị liên quan trong thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp cho thấy sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm mạnh mẽ của các nước ASEAN, đồng thời thể hiện sự linh hoạt, chủ động và tích cực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Tổng cộng đã diễn ra 19 Hội nghị cấp Bộ trưởng, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, các Hội nghị trong khuôn khổ ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) cũng như giữa ASEAN với các Đối tác. Ngoài ra, còn có Đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với đại diện Ủy ban liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR), Phiên họp đặc biệt của Hội đồng Điều phối ASEAN về Phát triển tiểu vùng, Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của Phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững và Hội nghị Bộ trưởng Quan hệ đối tác Mekong-Mỹ lần thứ nhất.
Các Bộ trưởng ASEAN tiếp tục khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ thực hiện đầy đủ, hiệu quả các mục tiêu và ưu tiên hợp tác trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” của năm 2020.
Các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục nỗ lực triển khai đúng tiến độ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên cơ sở kết quả kiểm điểm giữa kỳ trên cả 3 trụ cột. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả các quy định của Hiến chương ASEAN, thông qua đánh giá kịp thời về kết quả triển khai Hiến chương thời gian qua. Các Bộ trưởng ủng hộ nỗ lực thảo luận xây dựng định hướng phát triển cho ASEAN trong giai đoạn mới sau khi hoàn thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Các Bộ trưởng cũng dành quan tâm cao đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và các cơ chế, diễn đàn do ASEAN dẫn dắt trong bối cảnh môi trường toàn cầu và khu vực thay đổi nhanh chóng, phức tạp. Các Bộ trưởng thống nhất thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng, gắn kết phát triển tiểu vùng với tiến trình phát triển chung của ASEAN. Tiếp tục đóng góp của ASEAN cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, các Bộ trưởng đã trao đổi và thống nhất tạo điều kiện để phát huy vai trò của phụ nữ ASEAN trong hòa bình và an ninh.
Nhận thức về các tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đối với khu vực, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết, thống nhất, cách tiếp cận tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN trong kiểm soát lây nhiễm và giảm thiểu tác động của dịch bệnh, giữ vững đà hợp tác liên kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các Bộ trưởng nhất trí triển khai hiệu quả các sáng kiến quan trọng của ASEAN về ứng phó Covid-19.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng khẳng định quyết tâm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, củng cố đoàn kết, tự cường, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường xây dựng lòng tin, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật như tinh thần Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN ngày 8/8 vừa qua.
Các Bộ trưởng ASEAN và các Đối tác tái khẳng định cam kết ủng hộ hợp tác đa phương và khuôn khổ quan hệ giữa các quốc gia dựa trên nền tảng các nguyên tắc luật pháp quốc tế. Các Bộ trưởng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hiệu quả giữa ASEAN với các đối tác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên, trong đó có đẩy lùi đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện.
ASEAN cũng nhất trí trao quy chế Đối tác phát triển cho Pháp và Italy, chấp thuận Colombia và Cuba tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Các Bộ trưởng cũng đề ra các biện pháp tăng cường sự đóng góp của ASEAN trên các vấn đề toàn cầu, qua đó nâng cao vai trò và tiếng nói của ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng trao đổi về các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai, biến đổi khí hậu... và các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có tình hình Bán đảo Triều Tiên, Bang Rakhine của Myanmar...
Về Biển Đông, lập trường nguyên tắc của ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, là lợi ích chung của tất cả các quốc gia, được các nước Đối tác tiếp tục ủng hộ.
Các Bộ trưởng khẳng định cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hoá, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Các Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, và kêu gọi sớm hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tại các Hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã xem xét và thông qua 42 văn kiện, trong đó có Thông cáo chung của Hội nghị AMM-53, Kế hoạch Hành động Hà Nội II của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Các nước cũng nhất trí với nhiều đề xuất của Việt Nam như ra Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập EAS dịp Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ 15, tổ chức họp Nhóm chuyên gia EAS về Covid-19; ra Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN+3 về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN+3 về kinh tế và ổn định tài chính...
Toàn cảnh buổi Họp báo AMM-53 và các Hội nghị liên quan. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong phần hai của buổi Họp báo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên:
Trả lời câu hỏi của phóng viên về cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn thể hiện trong bối cảnh diễn ra Hội nghị AMM-53, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, cạnh tranh chiến lược giữa các nước là một thực tế và thực tế này cũng đang được trao đổi tại các hội nghị, diễn đàn trên thế giới và đương nhiên tại khu vực Đông Nam Á - một khu vực giữ vị trí chiến lược quan trọng và diễn đàn của ASEAN cũng là một diễn đàn có các cơ chế, trong đó có cơ chế về Hội nghị Đông Á cũng như diễn đàn an ninh khu vực. Đây là diễn đàn để trao đổi các vấn đề chiến lược, những vấn đề trong quan hệ giữa các nước liên quan đến khu vực và những vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa các nước cũng được thể hiện tại các cuộc họp của diễn đàn này.
Nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng đưa ra tuyên bố của các Bộ trưởng ASEAN về duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á, thể hiện rõ quan điểm của các nước ASEAN là mong muốn xây dựng Đông Nam Á là khu vực hoà bình, thịnh vượng; mong muốn tất cả các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực đóng góp vai trò tích cực, hỗ trợ, thúc đẩy cho việc duy trì hoà bình, ổn định của khu vực. Đó cũng chính là thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN mà ASEAN mong muốn xây dựng. ASEAN và các nước ASEAN không muốn bị "kẹt" trong cạnh tranh giữa các nước tác động đến hoà bình, ổn định của khu vực. Điều đó đã được thể hiện và trao đổi tại các cuộc họp của ASEAN, tại các diễn đàn đối thoại.
Đối với câu hỏi của phóng viên về việc ASEAN xem xét đề nghị của Anh muốn trở thành đối tác đối thoại của ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, hiện nay, ASEAN đang trở thành tổ chức khu vực có vai trò và vị thế cao, do đó ASEAN đã nhận được nhiều đề nghị của các quốc gia có liên quan muốn trở thành thành viên, đối tác phát triển, đối tác đối thoại và nhiều cơ chế khác mà ASEAN đang có. Anh cũng là một nước đã đề xuất việc xây dựng đối tác đối thoại với ASEAN. Các nước ASEAN thừa nhận vai trò quan trọng của Anh về vị thế quốc tế, khu vực cũng như quan hệ sâu rộng giữa các nước ASEAN với Anh. Các nước ASEAN đang xem xét đề nghị của Anh theo quy định của ASEAN cũng như kết quả hợp tác, cam kết của các nước khi muốn trở thành đối tác đối thoại của ASEAN.
Trả lời báo giới về những vấn đề ảnh hưởng đến AMM-53 do diễn ra theo hình thực họp trực tuyến, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết: Đại dịch Covid-19 đã tác động đến toàn bộ các nước trên toàn cầu cũng như khu vực, tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội trong đó có các hoạt động đối thoại của ASEAN. Nhưng với chủ đề của ASEAN năm 2020 "Gắn kết và Chủ động thích ứng", các nước ASEAN, trong đó có vai trò Chủ tịch của Việt Nam, đã chủ động thích ứng với tình hình đó, tổ chức các hội nghị theo hình thức trực tuyến.
“Cho đến thời điểm này của năm 2020, có lẽ các hội nghị theo hình thức trực tuyến trong ASEAN nhiều hơn so với bình thường khi có hội nghị trực tiếp. Đó cũng là việc thích ứng của nước Chủ tịch ASEAN trong việc tích cực tổ chức các hội nghị để đảm bảo các hoạt động, các mục tiêu, cam kết, các công trình của ASEAN vẫn tiếp tục được thực hiện, xây dựng. Đối với AMM-53 lần này, Việt Nam cũng đã tổ chức hội nghị dù thời gian có chậm hơn so với dự định là vào đầu tháng 8 nhưng vẫn diễn ra suôn sẻ.
Một khó khăn so với hội nghị trực tiếp là không có phiên chụp ảnh chung và vòng tay ASEAN đã trở thành thương hiệu kết nối rất rõ ràng tại các hội nghị. Nhưng việc tổ chức trực tuyến không ảnh hưởng đến nội dung hội nghị, tất cả các văn kiện của hội nghị lần này được soạn thảo và thống nhất cao một cách rất nhanh chóng, có nội dung tốt và tích cực”.
Trả lời câu hỏi của báo giới về liên quan đến lợi ích của các nước ngoài khu vực cũng như trong khu vực tại Biển Đông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói: Tại bất kỳ hội nghị nào của ASEAN, vấn đề Biển Đông cũng được nêu rõ. Tinh thần đó là kêu gọi xây dựng, đóng góp vào việc xây dựng Biển Đông là một khu vực biển hoà bình, ổn định, tự do hàng hải cả trên biển cũng như trên bầu trời và luôn luôn kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS 1982. Các nước trong tuyên bố của mình tại hội nghị cũng đã nêu cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Các nước cũng đều là thành viên của Công ước, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và các nước ASEAN. Việc tuân thủ Công ước đó là điều đương nhiên của các nước thành viên của Công ước.
Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho biết, tài liệu khái niệm về Khung phục hồi tổng thể ASEAN đã được thông qua tại Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 27 ngày 9/9 vừa qua. Khung tổng thể này sẽ được trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 để các nhà lãnh đạo xem xét, thông qua vào tháng 11/2020. Khung tổng thể này sẽ đưa ra một số tiêu chí để định hướng cho các biện pháp ứng phó toàn khu vực chống lại dịch Covid-19 trên cả ba trụ cột và sẽ chú trọng, quan tâm tới những nhóm dân cư bị ảnh hưởng nhiều nhất và dễ bị tổn thương nhất.
Về Hội nghị AMM-53 và các Hội nghị liên quan, Tổng Thư ký ASEAN đánh giá cao việc các hội nghị đã thông qua được số lượng văn kiện lớn nhất, thể hiện tính hiệu quả của các thảo luận dù cho các Bộ trưởng phải gặp gỡ thông qua hình thức trực tuyến. Tổng Thư ký ASEAN chúc mừng Việt Nam về thành công này.