Tham dự họp báo AMMTC 14 có Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Tấn Tới; Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô và Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn; đại diện các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, thành viên Ban Tổ chức, Tổ giúp việc AMMTC 14 và đại diện 23 cơ quan báo chí trong và ngoài nước.
AMMTC 14 sẽ diễn ra từ ngày 25 – 26/11/2020 theo hình thức trực tuyến. Đây là hội nghị cấp cao nhất của cơ quan thực thi pháp luật phòng chống tội phạm xuyên quốc gia của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được tổ chức hàng năm. Bộ Công an vinh dự được đăng cai, tổ chức AMMTC 14 trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng, Thiếu tướng Lê Tấn Tới chia sẻ thông tin với phóng viên về các hoạt động đối ngoại của lực lượng Công an, cụ thể là AMMTC 14 sắp tới.
Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Tấn Tới thông tin về AMMTC 14. (Nguồn: CAND) |
Cơ chế hợp tác nòng cốt
Về hình thức tổ chức, đây là sự kiện hợp tác quốc tế quan trọng nhất do Bộ Công an chủ trì trong năm Chủ tịch ASEAN năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam và các nước ASEAN đã nhất trí tổ chức Hội nghị trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử AMMTC.
Về mục đích, AMMTC 14 được tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong ASEAN, góp phần vào thành công chung của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN; khẳng định vai trò, trách nhiệm quốc tế, cam kết chính trị mạnh mẽ và sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trong năm 2020 khi đảm nhiệm nhiều trách nhiệm quốc tế quan trọng.
Diễn ra ngay sau Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, AMMTC 14 là dịp để các Bộ trưởng ASEAN phụ trách lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia khẳng định cam kết và quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong triển khai các văn kiện đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển, vừa kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Cùng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (FMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADSOM), AMMTC là một trong những cơ chế hợp tác nòng cốt, bao trùm nhất về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, thuộc trụ cột chính trị, an ninh của ASEAN.
Đại diện các cơ quan báo chí tham dự Họp báo AMMTC 14. (Ảnh: Minh Quân) |
Ba sáng kiến, năm dự án
Về đóng góp của Việt Nam, tiếp nối từ những kỳ họp trước, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Tấn Tới cho biết Bộ Công an dự kiến sẽ đề xuất ba sáng kiến:
Thứ nhất, đó là đề xuất chủ đề AMMTC 14 là “ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia”. Đây là sự kế thừa và bám sát chủ đề chung của năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020 là “ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Đây là lần đầu tiên một nước thành viên ASEAN đề xuất chủ đề cho Hội nghị AMMTC.
Thứ hai, đó là đề xuất thiết lập kênh liên lạc trực tiếp cấp Bộ trưởng trong cơ chế AMMTC, hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu quả, trao đổi thông tin phối hợp, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan tới công tác đảm bảo an ninh trật tự quốc gia và toàn khu vực.
Thứ ba, đó là đưa nội dung phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong và sau thời kỳ Covid-19 vào Tuyên bố chung Hội nghị AMMTC 14, nhằm nhấn mạnh tác động tiêu cực của đại dịch đối với sự gia tăng tội phạm xuyên quốc gia và khẳng định cam kết của các quốc gia trong thực hiện mục tiêu vừa khống chế dịch bệnh, vừa hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đang xây dựng và đề xuất 5 dự án, đề nghị đối tác, đối thoại của ASEAN xem xét tài trợ, trong đó tập trung vào hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.
Cuối cùng, với vai trò chủ trì, Bộ Công an Việt Nam dự kiến đề nghị Bộ trưởng các nước tham dự AMMTC 14 đẩy mạnh hợp tác theo ba hướng kết nối chính là kết nối thể chế, kết nối con người và kết nối thông tin, hoàn thiện các văn bản pháp lý, tạo khuôn khổ hợp tác phòng chống tội phạm giữa các nước, tăng cường xây dựng lòng tin, trao đổi thông tin cấp cao giữa người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật các nước, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng lãnh thổ nước này, gây phương hại nước kia, nâng cao nhận thức của công dân ASEAN về nguy cơ, thách thức về tội phạm xuyên quốc gia, đồng thời tăng cường hợp tác với các nước đối tác, đối thoại của ASEAN.
Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô trả lời câu hỏi của phóng viên. (Ảnh: Minh Quân) |
Lịch trình AMMTC
Hội nghị AMMTC 14 sẽ gồm các hoạt động chính gồm phiên họp trù bị Hội nghị Quan chức cấp cao về Phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC), lễ khai mạc và phiên toàn thể AMMTC 14.
Phiên họp trù bị, bắt đầu vào chiều ngày 25/11 do Việt Nam chủ trì, với sự tham dự của đại diện SOMTC ASEAN, sẽ rà soát và thống nhất các nội dung, chương trình, văn kiện trình lên Bộ trưởng các nước ASEAN tại AMMTC 14.
Lễ khai mạc AMMTC 14 sẽ diễn ra lúc 8h ngày 26/11. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu chào mừng Hội nghị. Bên cạnh các đại biểu dự trực tuyến, lễ khai mạc còn có sự tham dự của Đại sứ các nước ASEAN tại Việt Nam, đại biểu từ các bộ, ngành liên quan.
Phiên họp toàn thể diễn ra ngay sau đó do Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Trưởng AMMTC Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm chủ trì.
Tham dự phiên họp có Bộ trưởng phụ trách phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia của các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, Chủ tịch Hội nghị những người đứng đầu ASEAN về lãnh sự và xuất nhập cảnh (DGICM). Tại phiên họp toàn thể, Việt Nam sẽ nhận bàn giao vai trò chủ trì AMMTC từ Thái Lan.
Về lịch sử, AMMTC lần đầu được tổ chức năm 1997 tại Philippines. Bộ Công an Việt Nam chính thức gia nhập cơ chế này năm 2004 và lần đầu tổ chức AMMTC 5 vào năm 2005. Như vậy, năm 2020 sẽ đánh dầu lần thứ hai Bộ Công an Việt Nam đăng cai tổ chức AMMTC. |