📞

Ấn Độ công bố Chính sách Phần mềm Quốc gia, tạo 3,5 triệu việc làm

13:29 | 29/11/2016
Ngày 28/11, Dự thảo Chính sách Phần mềm Quốc gia (NSP) lần đầu tiên được công bố với mục đích đến năm 2025 sẽ tăng thị phần sản phẩm phần mềm của Ấn Độ trên toàn cầu.

Theo bản dự thảo, chính sách này sẽ “cố gắng đến năm 2025 sẽ tăng 10 lần thị phần trên thị trường sản phẩm phần mềm thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi giúp các sản phẩm phần mềm của Ấn Độ tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế” và “tạo ra 3,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp”. 

Ấn Độ mong muốn đến năm 2025 có thể xây dựng ngành công nghiệp phần mềm quốc gia đạt giá trị 148 tỷ USD. (Nguồn: Livemint)

Ước tính, ngành công nghiệp phần mềm toàn cầu hiện có trị giá 411 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, bản dự thảo cho rằng, tại Ấn Độ, ngành công nghiệp phần mềm vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Tổng doanh thu của ngành này tại Ấn Độ là 6,1 tỷ USD, trong đó 2 tỷ USD từ xuất khẩu. Theo các ước tính, ngành công nghiệp phần mềm Ấn Độ chiếm 1,48% thị phần toàn cầu và việc chính phủ nước này muốn đến năm 2025 tăng được 10 lần thị phần đồng nghĩa với việc ngành này sẽ đạt giá trị 148 tỷ USD. 

Dự thảo chính sách trên nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để thành lập 10.000 doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ nhằm phát triển các sản phẩm phần mềm có tính cạnh tranh trên toàn cầu và vì thế, đến năm 2017 tạo ra việc làm trực tiếp và gián tiếp cho 1 triệu người và đến năm 2025 sẽ thêm 2,5 triệu người nữa. Cũng theo bản dự thảo, Chính phủ Ấn Độ đã cam kết sẽ tạo ra một “khuôn khổ để sản phẩm phần mềm Ấn Độ nằm trong chương trình mua sắm của chính phủ” và thúc đẩy việc sử dụng những phần mềm này “trong các lĩnh vực chiến lược như quốc phòng, năng lượng nguyên tử, hàng không, đường sắt, viễn thông, điện và chăm sóc sức khỏe,…” 

Trong một diễn biến liên quan, theo dự báo của Hiệp hội Nasscom của Ấn Độ, ngành công nghệ thông tin (IT) ở nước này có trị giá khoảng 143 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 350 tỷ USD.

(theo Livemint, Business Standard)