📞

Ấn Độ đẩy mạnh ngành công nghiệp phần mềm

09:10 | 01/12/2016
Ngày 28/11, Ấn Độ công bố Dự thảo Chính sách Phần mềm Quốc gia (NSP) với mục đích đến năm 2025 sẽ tăng thị phần sản phẩm phần mềm của nước này trên toàn cầu và tạo ra thêm nhiều việc làm. 

Dự thảo lần đầu tiên

Theo bản dự thảo, chính sách này vươn tới mục tiêu “đến năm 2025 sẽ tăng 10 lần thị phần trên thị trường sản phẩm phần mềm thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi giúp các sản phẩm phần mềm của Ấn Độ tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế” và “tạo ra 3,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp”. Đây cũng là lần đầu tiên dự thảo chính sách này được công bố.

Ước tính, ngành công nghiệp phần mềm toàn cầu hiện có trị giá 411 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ USD.

Bản dự thảo đánh giá hiện nay tại Ấn Độ, ngành công nghiệp phần mềm vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Tổng doanh thu của ngành này tại Ấn Độ là 6,1 tỷ USD, trong đó 2 tỷ USD từ xuất khẩu. Ước tính, ngành công nghiệp phần mềm Ấn Độ chiếm 1,48% thị phần toàn cầu và việc chính phủ nước này muốn đến năm 2025 tăng được 10 lần thị phần đồng nghĩa với việc ngành này sẽ đạt giá trị 148 tỷ USD.

Ngành công nghệ thông tin được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần to lớn vào tăng trưởng GDP của Ấn Độ. (Nguồn: BGR)

Dự thảo chính sách trên nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để thành lập 10.000 doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ nhằm phát triển các sản phẩm phần mềm có tính cạnh tranh trên toàn cầu và vì thế, đến năm 2017 tạo ra việc làm trực tiếp và gián tiếp cho 1 triệu người và đến năm 2025 sẽ thêm 2,5 triệu người nữa. Cũng theo bản dự thảo, Chính phủ Ấn Độ đã cam kết sẽ tạo ra một “khuôn khổ để sản phẩm phần mềm Ấn Độ nằm trong chương trình mua sắm của chính phủ” và thúc đẩy việc sử dụng những phần mềm này “trong các lĩnh vực chiến lược như quốc phòng, năng lượng nguyên tử, hàng không, đường sắt, viễn thông, điện và chăm sóc sức khỏe,…”

Sức mạnh của ngành công nghệ thông tin

Ấn Độ được xếp vào một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới với GDP đạt 7,3% năm 2015, trong đó ngành công nghệ thông tin được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần to lớn vào tăng trưởng GDP.

Thế mạnh đầu tiên đã tạo nên thành công cho ngành phần mềm Ấn Độ chính là nguồn nhân lực. Hệ thống giáo dục tuyệt vời với các học viện công nghệ quốc gia được trang bị các trang thiết bị hiện đại nhất, chưa kể các cơ sở đào tạo tư nhân uy tín, các trung tâm đào tạo và đào tạo lại của các doanh nghiệp lớn... tất cả đã tạo cho nguồn nhân lực phần mềm có chất lượng toàn cầu của quốc gia này. Cùng với xu thế toàn cầu hoá, những kỹ sư này được hút ra các thị trường ngoài biên giới Ấn Độ như Mỹ, châu Âu và rồi lại trở lại thị trường Ấn Độ để tạo ra các thế hệ kỹ sư phần mềm mới cho đất nước.

Với chính sách mở cửa, thông thoáng và những ưu đãi nhất định của chính phủ Ấn Độ đã tạo nên sức hút khiến phần lớn những tên tuổi lớn nhất của công nghệ toàn cầu đã phải có mặt ở đây. 7 khu công nghệ cao đã được xây dựng nên nhờ những nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của các tên tuổi lớn của thế giới như IBM, Digital, Hewlett Packard, Sun, Motorola... với những chính sách ưu đãi đặc biệt như: cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng, miễn thuế nhập khẩu, thuế doanh thu 5 năm, tối giản các thủ tục hành chính phức tạp và tạo quyền chuyển lợi nhuận về nước...

Đó cũng là những hành động thiết thực nhất thể hiện quyết tâm đầu tư quyết liệt của chính phủ nước này cho công nghệ thông tin nói chung và phần mềm nói riêng. Ngoài ra, nhiều công ty đã chủ động chọn đầu tư thích hợp và liên tục nâng cao năng lực đầu tư khai thác thị trường của mình và biến năng lực khai thác thị trường bên ngoài Ấn Độ của mình trở thành một thế mạnh thực sự.

Thông qua việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, Ấn Độ muốn tăng cường uy tín của mình đối với thế giới. Không chỉ là uy tín với các dòng sản phẩm làm ra, uy tín với nguồn nhân lực được đào tạo bàn bản và quy mô, các doanh nghiệp Ấn Độ nói riêng và ngành phần mềm Ấn Độ nói chung còn mong muốn tạo ra được một uy tín vô hình trong quan hệ kinh doanh và trên thị trường, khiến những ông lớn của nền công nghệ thế giới khi cần là nghĩ đến Ấn Độ và các sản phẩm của Ấn Độ.

Hiện nay, Ấn Độ đã có sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trở thành trung tâm của cả thế giới về dịch vụ công nghệ thông tin, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh và nâng cao vị thế của quốc gia Nam Á này. Với việc công bố chính sách phần mềm quốc gia, sức mạnh của ngành công nghệ thông tin Ấn Độ sẽ tiếp tục được gia tăng.

(theo BGR)