ASEAN coi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với Đông Nam Á nằm ở trung tâm, là một trong những khu vực có tầm quan trọng chính trị, kinh tế và chiến lược nổi bật. (Nguồn: AP) |
4 xu hướng chính
Môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp sẽ khiến các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hướng tới các quy trình hoạch định chiến lược nhiều sắc thái hơn, trong đó có cả xu hướng giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc lớn cũng như xây dựng các năng lực nội tại để thích ứng với sự thay đổi.
Có 4 xu hướng chính định hình bối cảnh an ninh khu vực trong vài năm qua và trong tương lai gần, bao gồm:
Thứ nhất, cạnh tranh nước lớn đã trở nên gay gắt hơn với những hậu quả lớn tương ứng, phần nào không thể lường trước và đoán trước. Đáng chú ý nhất là cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ ngày một gay gắt. Nhận thức rập khuôn lâu nay là quan hệ Trung-Mỹ có đặc trưng là vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Điều này đã thay đổi và hiện tại, mối quan hệ này đang vô cùng phức tạp và khó lường.
Thứ hai, toàn cầu hóa, từng được coi là một đặc trưng tất yếu và không thể đảo ngược của hệ thống quốc tế, đã vấp phải những hoài nghi và chống lại. Thương mại tự do, một đặc trưng của toàn cầu hóa, không còn được coi là điều hiển nhiên nữa. Tổ chức thương mại thế giới (WTO) chịu sức ép khi ngày càng nhiều người hoài nghi về khả năng tạo ra các thỏa thuận mới cũng như khả năng quản lý và giải quyết tranh chấp với WTO.
Thứ ba, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang xuất hiện tràn lan khắp các châu lục với những thực tế mới như Internet vạn vật, blockchain, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, giống như hầu hết các cuộc cách mạng, nó tạo ra các tác động khác nhau ở những nơi khác nhau. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dường như có lợi hơn là gây bất lợi cho các nước phát triển hơn như Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc. Các nước đang bắt kịp khác như Malaysia và Singapore chịu tác động vừa tốt vừa xấu trong khi các nước nhỏ hơn như Lào và Timor Leste phải đối mặt với nguy cơ bị mắc kẹt và tụt lại phía sau.
Thứ tư, các thách thức an ninh đương đại truyền thống và phi truyền thống ngày càng đòi hỏi nhiều nguồn lực quốc gia hơn để giải quyết. Không có giải pháp lâu dài nào cho bất cứ điểm nóng an ninh khu vực như bán đảo Triều Tiên, tranh chấp biên giới Ấn Độ-Trung Quốc... Tội phạm công nghệ cao khiến khu vực thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm. Biến đổi khí hậu cũng là một mối đe dọa leo thang (theo Liên hợp quốc) trong khi chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa siêu quốc gia tiếp tục đặt ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho nhiều nơi trong khu vực.
Phản ứng và chính sách linh hoạt của ASEAN
Tất cả những xu hướng này đặt các nước trong khu vực, trong đó có ASEAN vào tình trạng buộc phải thay đổi và điều chỉnh các chiến lược an ninh.
Các cường quốc cũng vậy. Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở trong khi Trung Quốc thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường. Quan niệm cho rằng các cường quốc này đang trong quá trình từ cạnh tranh tới đối đầu đã lan truyền trong cộng đồng chính sách của cả hai nước.
Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) là một diễn đàn quan trọng trong khu vực. (Nguồn: Ban thư ký ASEAN) |
Tuy nhiên, thay vì thận trọng hơn, chúng ta có thể thấy hai nước này có lập trường cứng rắn và dùng đến các biện pháp mạnh. Chẳng hạn, các mức thuế rất cao mà hai nước áp đặt lẫn nhau đã dẫn đến những rủi ro kinh tế không chỉ cho chính mình mà còn cả các nước khác.
Trong bối cảnh này, các chiến lược tránh và quản lý rủi ro cũng như ngoại giao đa phương đã trở nên hấp dẫn hơn. Các chiến lược phòng ngừa rủi ro rất hữu ích theo nghĩa các nước trong khu vực có thể thúc đẩy mối quan hệ với cả Mỹ lẫn Trung Quốc mà không cần phải do dự.
Một đánh giá phổ biến là nhiều quốc gia đang hết sức nỗ lực duy trì hoặc đạt được sự đảm bảo an ninh từ Washington trong khi tối đa hóa những kết nối kinh tế với Bắc Kinh. Tuy nhiên, chỉ sử dụng cách đó cũng không đảm bảo cho các nước trong khu vực giảm thiểu tác động bất lợi do cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ gây ra.
Các cơ chế đa phương có sẵn trong cấu trúc an ninh khu vực ngày một phát triển và có ý nghĩa. Do đó, ASEAN mong muốn nâng cao vai trò và tính trung tâm của mình. Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) vẫn là diễn đàn duy nhất để các nhà lãnh đạo thảo luận về các vấn đề chiến lược trong khu vực này.
Tóm lại, các xu hướng mà khu vực này phải đối mặt trong năm nay không hoàn toàn khác biệt với trước đây. Tuy nhiên, đáng chú ý là một số xu hướng đang trở nên gay gắt hơn. Một trong số đó là sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh hơn và rộng hơn đến cuộc sống hàng ngày.
Về phản ứng, các nước khác ngoài Mỹ và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác và phối hợp với nhau để giảm sự phụ thuộc vào một trong hai cường quốc này. Dù là ASEAN nói chung hay các nước thành viên nói riêng, nhu cầu về tư duy chiến lược và kế hoạch độc lập có thể được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.