Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33 - Vietnam Expo 2024 được tổ chức tại Trung tâm triển lãm quốc tế Hà Nội (ICE) với quy mô 550 gian hàng của hơn 480 doanh nghiệp thuộc 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung giới thiệu 5 nhóm ngành hàng chính, bao gồm: Khu gian hàng xúc tiến xuất khẩu và đầu tư Việt Nam; khu gian hàng quốc tế; điện tử, máy móc thiết bị và công nghiệp hỗ trợ; công nghệ số và thương mại điện tử; công nghiệp thực phẩm.
Gian hàng Ấn Độ trưng bày các sản phẩm khác nhau của Ấn Độ trong các lĩnh vực như điện tử và truyền thông, linh kiện ô tô, xử lý nước thải, dịch vụ tài chính ngân hàng, chế biến nông sản, hàng tiêu dùng và cơ sở hạ tầng như cảng và hậu cần. (Ảnh: Bảo Hà) |
Tại Vietnam Expo 2024, Ấn Độ tham gia với tư cách là quốc gia khách mời danh dự do Cơ quan Xúc tiến thương mại (ITPO) trực thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ dẫn đoàn. Khu trưng bày của Ấn Độ có tổng cộng 12 gian hàng, với sự hiện diện nổi bật của Cơ quan Xúc tiến thương mại Ấn Độ, cùng với sự tham gia của các công ty như Spark Minda, KCP, Tata Coffee Việt Nam, Ngân hàng Ấn Độ, Công ty cảng & Khu kinh tế đặc biệt Adani, Điện tử Bharat, Ion Exchange, Allanasons, thực phẩm đông lạnh Marhaba, Fair Exports, Tập đoàn Marico Đông Nam Á...
Các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm đa dạng trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng và cơ sở hạ tầng như cảng biển, vận tải và logistics, chế biến nông sản, hàng tiêu dùng, sản xuất đường, xi măng, xử lý nước thải, điện tử, linh kiện ô tô.
Trao đổi tại Hội chợ, đại diện KCP, công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm phục vụ cho ngành xi măng và đường, cho biết: “Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường ứng dụng công nghệ, tiến tới nền kinh tế toàn cầu hóa. Việt Nam đang tập trung phát triển lĩnh vực du lịch với Ấn Độ, chưa chú trọng sản xuất và đổi mới công nghệ cùng các đối tác Ấn Độ. Các ngành hàng như sản xuất xi măng, đường, khoáng sản,... cần phải được áp dụng các công nghệ hiện đại để phát triển nhanh hơn”. Điều này cũng giúp đẩy mạnh hợp tác giao lưu giữa các doanh nghiệp đến từ Việt Nam - Ấn Độ và gắn kết nền kinh tế, thị trường giữa hai quốc gia.
Các công ty Ấn Độ tham gia Hội chợ mong muốn được trao đổi với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác sâu rộng hơn. (Ảnh: Bảo Hà) |
Trong lĩnh vực thương mại, Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm tỷ trọng gần 80% xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này. Thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, liên tục đạt tăng trưởng đều đặn trong những năm qua.
Theo số liệu từ cổng thông tin Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại Việt Nam-Ấn Độ năm 2023 đạt 14,36 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ đạt kim ngạch 8,5 tỷ USD nổi bật với nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tiếp đến là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ trong năm 2023 chỉ đạt 5,86 tỷ USD.
Ấn Độ trở thành một trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam nằm trong nhóm 4 quốc gia dẫn đầu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có quan hệ thương mại mạnh mẽ với đất nước sông Hằng.
Sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và hợp tác phát triển ngoại thương bền vững. Đối với các công ty Ấn Độ, đây là cơ hội để tiếp cận, trao đổi với các đối tác kinh doanh, thương mại, đầu tư tiềm năng nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh doanh sâu rộng hơn giữa hai nước.
Theo Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ được thúc đẩy bởi cải cách, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh doanh. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (DBR) của Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng Chỉ số Thuận lợi kinh doanh lên vị trí thứ 63 vào năm 2020. Ấn Độ tăng 6 bậc lên vị trí 38 trong Chỉ số Hiệu quả logistics của WB năm 2023. Ấn Độ đứng thứ 13 trong báo cáo về bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số và đã cải thiện hiệu suất trong việc xử lý tình trạng mất khả năng thanh toán, khởi nghiệp hoặc đăng ký công ty. Các chương trình tiêu biểu của Ấn Độ như Sản xuất tại Ấn Độ (Make in India), Ấn Độ khởi nghiệp (Start-up India), Ấn Độ kỹ thuật số (Digital India), Sứ mệnh Thành phố thông minh và Chuyển đổi đô thị đã đơn giản hóa các thủ tục nhằm thúc đẩy môi trường đầu tư thuận lợi trên nhiều lĩnh vực. Việc tự do hóa các chính sách FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, quốc phòng, bảo hiểm và kinh doanh sản phẩm một nhãn hiệu duy nhất, cùng các ưu đãi về thuế đã tăng cường dòng vốn FDI. Hiện tại, Ấn Độ là quê hương của 113 kỳ lân với tổng giá trị 350 tỷ USD với hơn 124.000 công ty khởi nghiệp được chính phủ công nhận ở Ấn Độ. |