330 đội y tế đặc biệt đã tiến hành phun thuốc khử trùng các căn hộ, trong khi đội ngũ nhân viên y tế theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của gần 440.000 người tại Jaipur, thủ phủ của bang Rajasthan.
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ J P Nadda nhấn mạnh, việc nâng cao nhận thức của người dân là yếu tố then chốt trong kiểm soát dịch bệnh. Cuối tuần qua, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất này bắt nguồn từ một du khách nhiễm bệnh.
Đợt bùng phát virus Zika đầu tiên tại Ấn Độ xảy ra vào tháng 1/2017 tại bang Gujarat, miền Tây nước này.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Zika tại Mumbai, Ấn Độ. (Nguồn: AFP) |
Sáu tháng sau đó, đợt dịch thứ hai bùng phát tại bang Tamil Nadu ở miền Nam. Cả hai đợt dịch này đã được kiểm soát hoàn toàn.
Virus Zika chủ yếu lây qua muỗi Aedes aegypti. Người nhiễm virus có những triệu chứng nhẹ hơn bị sốt xuất huyết hoặc sốt phát ban do muỗi truyền bệnh - phổ biến nhất khi bị nhiễm là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban.
Trong các năm 2015 và 2016, virus Zika lây truyền qua muỗi đã hoành hành tại các quốc gia ở Mỹ Latin, Caribbean và phía Nam nước Mỹ, dẫn tới hàng nghìn ca di tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Tháng 2/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Zika là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu.
Tháng 11/2017, WHO đã gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp nhưng vẫn cảnh báo virus này có thể tiếp tục bùng phát và lây lan nhanh ở bất kỳ đâu có muỗi mang mầm bệnh.
Các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu điều chế vaccine phòng chống căn bệnh này cũng như ngăn ngừa tình trạng đầu nhỏ ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, theo WHO, sẽ chưa thể có vaccine phòng virus Zika cho tới năm 2020.