Máy bay không người lái vũ trang Sea Guardian của Mỹ. (Nguồn: ANI) |
Theo ông Boginsky, thỏa thuận trên với Nga sẽ có lợi với New Delhi nếu đơn hàng theo kế hoạch đối với hơn 100 chiếc trực thăng dành cho Hải quân Ấn Độ có thể được kết hợp với 200 chiếc trực thăng mà Ấn Độ đang cân nhắc mua cho Lục quân nước này.
Phát biểu bên lề Triển lãm Hàng không Dubai, ông Boginsky cho biết: "Chúng tôi đã cung cấp tất cả thông tin cho Bộ Quốc phòng Ấn Độ, nhưng đáng tiếc là không có bất cứ biện pháp hiệu quả và nhanh chóng nào từ phía Ấn Độ. Chúng tôi không thể hiểu được các nguyên nhân về việc trì hoãn. Bên giành được thắng lợi quan trọng là Ấn Độ nếu cả 2 đơn hàng được kết hợp với nhau”.
Năm 2015, Ấn Độ và Nga đã ký một thỏa thuận theo chương trình “Make in India” của Thủ tướng Narendra Modi về thương vụ cung cấp 200 trực thăng KA 226-T, theo đó, Moscow sẽ chuyển giao cho New Delhi 60 chiếc, những chiếc còn lại sẽ được lắp ráp và sản xuất tại Ấn Độ. Trước đó, 2 nước cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ về hợp đồng cung cấp hơn 100 chiếc trực thăng KA 226-T cho Hải quân Ấn Độ.
Trong khi đó, cùng ngày, kênh truyền hình India Today TV dẫn các nguồn tin quốc phòng cho biết, Ấn Độ sắp ký kết một thỏa thuận quốc phòng với Mỹ về việc mua sắm máy bay không người lái vũ trang Sea Guardian và máy bay giám sát và tác chiến chống ngầm P-8I. Thỏa thuận có trị giá hơn 7 tỷ USD.
Kênh truyền hình này cho biết: "Hải quân, Không quân và Lục quân Ấn Độ đang phối hợp các yêu cầu và thông số kỹ thuật của họ để mua các máy bay không người lái vũ trang Sea Guardian của Mỹ". Do một số yêu cầu về năng lực của 3 quân chủng khác nhau, việc đối chiếu giữa họ sẽ mất vài tháng và dự kiến Thư yêu cầu (LoR) sẽ được gửi tới Chính phủ Mỹ để xúc tiến thỏa thuận liên chính phủ vào tháng 2/tháng 3 năm sau.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn việc bán các máy bay không người lái vũ trang cho Ấn Độ vào tháng Sáu vừa qua và đề nghị trang bị cho máy bay những tên lửa cần thiết cùng các hệ thống khác. Theo các nguồn tin, trước đó, dường như chỉ có Hải quân Ấn Độ muốn mua các máy bay không người lái này, nhưng hiện nay cả 3 quân chủng đều thể hiện sự quan tâm đến dự án ước tính có chi phí hơn 4,5 tỷ USD này.
Một thỏa thuận lớn khác đang được thúc đẩy là dự án mua 10 máy bay giám sát tầm xa và tác chiến chống ngầm P-8I, sẽ bổ sung vào phi đội 12 chiếc loại này trong Hải quân Ấn Độ. Các nguồn tin cho biết, dự án đáng lẽ đã được đưa ra Hội đồng mua sắm quốc phòng (DAC) trong cuộc họp vừa qua của DAC nhưng đã bị từ chối vì một số lý do. Đề xuất này dự kiến sẽ được đưa ra DAC một lần nữa trong cuộc họp tiếp theo. Tổng chi phí mua các máy bay P-8I nêu trên dự kiến khoảng 3 tỷ USD.