Các bộ trưởng Mỹ-Ấn Độ trước đối thoại 2+2 từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar. (Nguồn: AP) |
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, trong phát biểu khai mạc Đối thoại 2+2 Mỹ-Ấn, ông Jaishankar đã đưa ra 3 lý do thể hiện New Delhi rất coi trọng đối thoại với Mỹ:
Thứ nhất, cả Ấn Độ và Mỹ đều đang sống trong một thế giới khó đoán định hơn với những căng thẳng và mâu thuẫn gia tăng. Đối với hầu hết các quốc gia, điều đó sẽ mang lại cho an ninh một ý nghĩa lớn hơn trong chính sách đối ngoại của họ. Với tư cách là các cường quốc, điều này càng đúng hơn trong trường hợp của hai nước.
Thứ hai, trong hai thập kỷ qua, mối quan hệ song phương Ấn-Mỹ đã phát triển đều đặn về thực chất, trên nhiều khía cạnh và ý nghĩa của nó, cho phép hai nước can dự sâu hơn về các vấn đề an ninh quốc gia. Định dạng này rõ ràng là phù hợp với mục đích đó.
Thứ ba, vào thời điểm khi mà việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, việc Ấn Độ và Mỹ có khả năng hợp tác chặt chẽ trong chính sách quốc phòng và đối ngoại sẽ có sức ảnh hưởng lớn hơn.
Hợp tác với nhau, Ấn Độ và Mỹ có thể tạo ra sự khác biệt thực sự khi đối mặt với các thách thức khu vực và toàn cầu, dù là tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao nhận thức hàng hải, chống khủng bố hay đảm bảo thịnh vượng.
Đối thoại 2+2 Mỹ-Ấn đã diễn ra tại Nhà khách Hyderabad, New Delhi với mục tiêu đặt ra các bước tiếp theo cho việc thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện Mỹ-Ấn.
Tại đối thoại, hai bên cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, trong đó có tập trung bàn thảo vấn đề an ninh và quốc phòng, đặc biệt là mở rộng hợp tác để thúc đẩy an ninh, thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cuộc họp diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi các lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc đang tiếp tục đối đầu căng thẳng ở khu vực biên giới Himalaya, trước thềm bầu cử Mỹ 2020 vào ngày 3/11 và trước cuộc tập trận hải quân Malabar thường niên vào tháng tới, với sự góp mặt của tất cả các thành viên nhóm Bộ Tứ Quad (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ).
Trước khi diễn ra phiên đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gặp người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar. Trong cuộc gặp, hai bên hoan nghênh Đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng Mỹ-Ấn lần thứ 3 diễn ra chỉ trong hơn 2 năm qua, là biểu tượng của quan hệ đối tác bền chặt giữa Mỹ và Ấn Độ.
Cuộc thảo luận giữa hai Bộ trưởng tập trung vào giải quyết những thách thức chung của đại dịch Covid-19 và ứng phó với các vấn đề an ninh khu vực, đến hợp tác phát triển vaccine và thịnh vượng kinh tế.
Hai Bộ trưởng nhất trí rằng, Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Mỹ-Ấn Độ là rất quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của cả hai nước, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hoan nghênh nhiệm kỳ sắp tới tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Ấn Độ và coi đây là cơ hội để Mỹ-Ấn hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề cùng quan tâm và toàn cầu. Hai bên cũng bày tỏ mong muốn tìm kiếm thêm cơ hội tăng cường quan hệ đối tác.
| Cập nhật Covid-19 ngày 27/10: Châu Âu báo động cao; WHO kêu gọi 'đừng từ bỏ', Venezuela tìm ra phương pháp tiêu diệt 100% virus SARS-CoV-2 TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, toàn cầu ghi nhận 43.776.587 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.164.515 trường hợp tử vong và 32.179.748 bệnh ... |
| Sudan nói gì về vai trò của Mỹ trong việc bình thường hóa quan hệ với Israel? TGVN. Ngày 26/10, Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Sudan Fattah al-Burhan cho biết, Khartoum không hề chịu bất cứ sức ép nào của Mỹ ... |
| Tin thế giới 26/10: Lệnh ngừng bắn thứ ba 'chết yểu' ở Nagorno-Karabakh; Nga 'động tay' ở Syria; 8 ngày trước bầu cử Mỹ và 'phản đòn' của Trung Quốc TGVN. Xung đột Armenia-Azerbaijan, quan hệ giữa 3 quốc gia nhiều duyên nợ Nga-Mỹ-Trung Quốc, bầu cử Mỹ 2020, tình hình Syria, quan hệ Pháp-Thổ ... |