Ấn Độ và Nhật Bản phản đối Trung Quốc gây sức ép lên ASEAN về COC. (Ảnh minh họa, Nguồn: Global Times) |
Theo tuyên bố chung sau cuộc đối thoại 2+2 giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước ở New Delhi hôm 30/11, hai bên đã nhấn mạnh rằng, COC không được làm phương hại đến các quyền và lợi ích của các bên liên quan ở Biển Đông cũng như các quyền tự do của tất cả các quốc gia chiểu theo luật pháp quốc tế.
Các Bộ trưởng đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh, nhấn mạnh "tự do hàng hải và hàng không cũng như thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Hoa Nam (Biển Đông), khu vực là trung tâm của một cuộc xung đột leo thang giữa Trung Quốc và các nước láng giềng biển ở Đông Nam Á".
Hai bên cũng nhấn mạnh COC phải "hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và đảm bảo tự do hàng hải".
Gần đây, Trung Quốc đang tăng cường sức ép để ASEAN nhất trí về một bộ COC vốn có thể hạn chế Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia khác ngoài khu vực tham gia hợp tác an ninh hàng hải với các quốc gia Đông Nam Á cũng như khai thác tài nguyên ở Biển Đông.
Nếu Trung Quốc thành công trong việc đưa tất cả các điều khoản do nước này đề xuất vào COC, các quốc gia ASEAN có thể sẽ phải được Bắc Kinh phê chuẩn để tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung ở Biển Đông với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác ngoài khu vực.
Điều này cũng có thể gây khó khăn cho công ty ONGC Videsh của Ấn Độ và các thực thể tương tự của các quốc gia khác trong việc tiếp tục thăm dò hydrocarbon và các tài nguyên khác trong và xung quanh vùng biển tranh chấp.