Phát biểu với báo giới ngày 13/11, Thủ hiến Delhi của Ấn Độ, ông Arvind Kejriwal cho biết: "Bắt đầu từ ngày 15/11, trường học phải đóng cửa để học sinh không phải hít thở không khí ô nhiễm".
Ngoài ra, các hoạt động xây dựng sẽ phải tạm ngừng trong 4 ngày từ 13/11 nhằm giảm lượng bụi thải tại các công trình ngoài trời. Các cơ quan công sở được đề nghị làm việc từ xa và các công ty tư nhân được khuyến cáo áp dụng hình thức làm việc này càng nhiều càng tốt.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô New Delhi đang cao đến mức nguy hiểm cho sức khỏe. (Nguồn: Bloomberg) |
Thông báo mới nhất của Cơ quan Kiểm soát ô nhiễm trung ương Ấn Độ (CPCB) cho biết, Chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở New Delhi là 437 trên thang 500 bậc. Vào ngày 12/11, mức ô nhiễm không khí ở thủ đô cũng đã rơi vào vùng "nghiêm trọng", khiến cơ quan trên đưa ra cảnh báo khẩn cấp về y tế.
Theo đó, CPCB đưa ra khuyến cáo với các văn phòng chính phủ và tư nhân tại New Delhi cắt giảm việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở mức ít nhất là 30%. Người dân thành phố được thông báo nên hạn chế các hoạt động ngoài trời và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với không khí bên ngoài.
New Delhi vốn là địa danh "quen thuộc" trong danh sách thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Thành phố 21,75 triệu dân gần đây phải đối mặt với không khí đặc biệt xấu trong mùa Đông.
Tình trạng này là do thói quen đốt rạ sau mùa thu hoạch, khí thải từ giao thông, các nhà máy sử dụng than đá bên ngoài thành phố và nhiều khí thải công nghiệp khác, cũng như hoạt động đốt rác lộ thiên.
Việc đốt rác thải nông nghiệp ở các bang lân cận vẫn tiếp diễn dù Tòa án Tối cao đã ra lệnh cấm.
Một báo cáo của Tổ chức IQAir năm 2020 cho thấy 22 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ.
Theo tạp chí Lancet, 1,67 triệu người đã tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí tại Ấn Độ trong năm 2019, riêng ở thủ đô New Delhi có gần 17.500 trường hợp.