📞

Ấn Độ: Phát hiện rùa vàng toàn thân siêu hiếm

Trang Phạm 16:39 | 05/11/2020
TGVN. Cục Lâm nghiệp Ấn Độ vừa thông báo phát hiện ra một con rùa có màu vàng toàn thân siêu hiếm.
Chú rùa vàng toàn thân mới được tìm thấy. (Nguồn: Twitter)

Sinh vật với mai, đầu và tay chân màu vàng sặc sỡ nhanh chóng trở thành tâm điểm được chú ý đặc biệt trên Internet.

Các biến thể màu vàng của loài rùa có tên khoa học Lissemysunctata của Ấn Độ - thường có màu nâu với các đốm vàng và mặt dưới màu trắng kem - thực tế đã được phát hiện một số lần trong những năm qua ở nhiều vùng khác nhau của Nam Á.

Theo các nhà nghiên cứu, sự bất thường về gene không xảy ra thường xuyên, nhưng khi nó xảy ra, nó có xu hướng nổi bật thực sự.

Vào năm 1997, một con rùa với thân hình màu vàng đồng nhất và đôi mắt màu hồng được phát hiện ở Gujarat trên bờ biển phía Tây của Ấn Độ. Một số trường hợp tương tự khác được cho là đã được tìm thấy ở Myanmar và Bangladesh, mặc dù dữ liệu chưa được công bố.

Trước đó, vào mùa Hè vừa qua, một con rùa vàng cực hiếm cũng đã bị bắt ở Odisha, một bang miền Đông Ấn Độ. Khi những hình ảnh được đăng trên Twitter, một nhà sinh vật học động vật hoang dã ở Ấn Độ tuyên bố đã tìm thấy 3 cá thể như vậy vào năm trước.

Mặc dù có rất ít thông tin về những phát hiện gần đây nhất, nhưng hiện tượng này được cho là do thiếu sắc tố cơ thể.

Nó tương tự như bệnh bạch tạng đơn thuần - một rối loạn di truyền gây ra sự thiếu hụt hoàn toàn các sắc tố trong cơ thể - nhưng thay vì hiển thị hoàn toàn màu trắng, trong một số trường hợp nhất định, các sắc tố pteridine màu vàng có thể tồn tại để thống trị việc sản xuất màu sắc (cùng với các sắc tố mắt).

Hiện tượng này được gọi là hội chứng bạch thể, trong số các loài rùa, các nhà nghiên cứu cho biết nó có thể tạo ra các biến thể màu sắc "chói" nhất. Các nhà nghiên cứu cũng mô tả hiện tượng này là "tương đối hiếm gặp".

Vào tháng 7, khi con rùa vàng đầu tiên trong năm được phát hiện, các nhà nghiên cứu giải thích rằng, trong một số trường hợp, loài này thậm chí còn có thể có màu đỏ.

(theo Dân trí/Science Alert)