📞

Ấn Độ rút 10.000 binh sĩ khỏi khu vực Kashmir, tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biên giới

Thế Việt 08:19 | 20/08/2020
TGVN. Bộ Nội vụ Ấn Độ (MHA) đã rà soát việc triển khai các lực lượng bán quân sự ở Jammu và Kashmir, qua đó quyết định rút 100 đại đội thuộc các lực lượng này khỏi vùng lãnh thổ liên bang nêu trên.
Ấn Độ sẽ rút 10.000 binh sĩ khỏi khu vực Kashmir tranh chấp. (Ảnh minh họa. Nguồn: Anadolu)

Động thái này diễn ra 2 tuần sau ngày kỷ niệm đầu tiên về việc bãi bỏ Điều 370 của Hiến pháp hủy quyền tự trị của bang Jammu và Kashmir và tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang.

Theo thông báo chính thức, Lực lượng cảnh sát dự bị trung ương (CRPF) sẽ rút 40 đại đội, các lực lượng An ninh biên giới (BSF), An ninh công nghiệp trung ương (CISF) và Sashastra Seema Bal (SSB) mỗi lực lượng rút 20 đại đội.

Bộ Nội vụ đã yêu cầu tất cả các lực lượng bán quân sự rút các đại đội khỏi Jammu và Kashmir và đưa trở lại các căn cứ tương ứng của họ. Thông báo trên được đưa ra vào ngày 19/8 với hiệu lực tức thì.

Một đại đội của Lực lượng cảnh sát vũ trang trung ương Ấn Độ (CAPF) thông thường có khoảng 100 người. Trước đó, MHA cũng đã rút 82 đại đội khỏi Jammu và Kashmir trong 2 đợt từ tháng 12 năm ngoái. Như vậy với thông báo trên, tổng cộng 182 đại đội đã được rút khỏi vùng lãnh thổ này và CRPF – lực lượng chống khủng bố hàng đầu của Ấn Độ - sẽ còn lại khoảng 60 tiểu đoàn (mỗi tiểu đoàn khoảng 1.000 người) ở thung lũng Kashmir.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, trang mạng Times of India đưa tin, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tổ chức phiên họp lần thứ 18 của Cơ chế làm việc về tham vấn và phối hợp trong các vấn đề biên giới (WMCC) vào ngày 20/8 như một phần của cuộc đối thoại giữa hai quốc gia về việc rút quân khỏi đường Ranh giới thực tế (LAC) ở Đông Ladakh và giảm leo thang quân sự.

Hồi tháng trước, hai nước đã tổ chức phiên họp WMCC lần thứ 17 và nhất trí rút quân sớm và hoàn toàn dọc theo LAC cũng như giảm leo thang căng thẳng phù hợp với các thỏa thuận và giao thức song phương. Hai bên nhất trí việc khôi phục hoàn toàn hòa bình và ổn định là điều cần thiết cho sự phát triển chung suôn sẻ của quan hệ song phương.

Đến nay, Ấn Độ vẫn cáo buộc Trung Quốc đã không rút quân khỏi các khu vực tuần tra, đồng bằng Depsang và Gogra sau nhiều vòng đàm phán quân sự và ngoại giao. New Delhi bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ chân thành phối hợp để thực thi các thỏa thuận mà hai bên đã đạt được.

(theo NDTV, Times of India)