📞

Ấn Độ: Tài xế nhận giải thưởng vì 18 năm chạy xe không bấm còi

15:39 | 08/12/2017
Một tài xế ở Ấn Độ đã được trao giải thưởng Manush Sanman vì không hề dùng còi xe một lần nào trong suốt 18 năm nhằm giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn.

Ấn Độ được biết đến với những con đường khá hỗn loạn và lái xe thì bấm còi inh ỏi. Vậy nên tài xế Dipak Das ở Kolkata hi vọng rằng đường phố ở nước mình có thể thay đổi, trở nên yên bình và tĩnh lặng hơn.

Bấm còi có thể được coi là một trải nghiệm lái xe trọng yếu ở Ấn Độ, người ta dường như có thói quen bấm còi thay vì nhìn gương để quan sát. Nhiều xe ô tô thậm chí còn không thèm lắp gương ở hai bên hay chẳng bao giờ mở gương ra như thể hai chiếc gương chìa ra có thể gây ra va chạm bất kỳ lúc nào.

Tài xế Dipak Das, Ấn Độ. (Nguồn: Oddity Central)

Không nhìn gương, lái xe liền bấm còi liên tục để tránh lượng xe san sát nhau trên đường. Lái xe bấm còi để ra hiệu khi muốn vượt hay nhắc xe bên cạnh khi tiến vào gần quá. Kết quả là đường phố bị ô nhiễm âm thanh trầm trọng đến nỗi nhiều người phải lên tiếng vì những ảnh hưởng bất lợi nó mang lại cho xã hội.

"Mọi người cần hiểu được ô nhiễm tiếng ồn tệ như thế nào. Tất cả chỉ vì lái xe thiếu kiên nhẫn", lái xe Vijay Agarwal nói với tờ Forbes.

Dipak từng làm tài xe cho rất nhiều người nổi tiếng ở Ấn Độ và ai cũng khen ngợi nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn của ông. Nhà tổ chức của hội chợ nhân đạo Manush Mela cũng chứng thực tác phong lái xe có một không hai của Dipak và trao cho ông giải thưởng Manush Sanman vì những nỗ lực đầy cảm hứng đó.

Dipak hoàn toàn tin tưởng vào "chiến lược không còi xe" và hi vọng việc mình làm sẽ thuyết phục những tài xế khác bớt bấm còi.

"Tôi tin là nếu những tài xế khác cũng không bấm còi, người đó sẽ tỉnh táo và chú ý đường phố hơn nhiều khi lái xe. Nếu một tài xế có đủ nhận thức về không gian, tốc độ và thời gian, người đó sẽ không cần phải bấm còi", Dipak cho biết.

Dipak cũng lịch sự từ chối khi có khách hàng yêu cầu ông bấm còi và nói rằng đấy không phải là cách giải quyết vấn đề. Trên xe, Dipak còn để một tấm bảng có dòng chữ: "Còi xe chỉ là một khái niệm, tôi quan tâm đến trái tim của bạn hơn".

Kể cả trên những chuyến đi xa đến Darjeeling hay Sikkim, ông cũng không bấm còi và tin rằng Kolkata sẽ trở thành một "thành phố không tiếng còi" vào một ngày không xa.

Dipak cho rằng đây không phải là một điều không thể hay quá khó để thực hiện. Những gì cần làm để biến chuyện này thành hiện thực là thiện chí từ chính phủ.

Giải thưởng Manush Mela tôn vinh những công dân đang làm những điều đặc biệt và có giá trị đặc biệt cho xã hội. Sudipa Sarker, thành viên của ban tổ chức năm nay cho biết Dipak khá nổi tiếng và được nhiều người tôn trọng. Anh là sự lựa chọn ngẫu nhiên cho giải thưởng.

(theo Dân trí/Oddity Central)