📞

Ấn Độ triển khai hàng nghìn quân, giới nghiêm toàn bộ tại vùng lãnh thổ Kashmir

Thế Việt 15:37 | 04/08/2020
TGVN. Ngày 4/8, Ấn Độ đã triển khai hàng nghìn binh lính giám sát việc thực hiện lệnh giới nghiêm tại vùng lãnh thổ Kashmir do quốc gia này kiểm soát để đảm bảo an ninh trong ngày tròn một năm chính quyền trung ương ở New Delhi hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với khu vực.

Quân đội được triển khai ở một điểm tại thành phố chính Srinagar. (Nguồn: AP)

Ngày 3/8, Giới chức Ấn Độ thông báo áp dụng lệnh giới nghiêm toàn bộ trong 2 ngày 4-5/8 với vùng lãnh thổ Kashmir do quốc gia này kiểm soát sau khi tiếp nhận những thông tin tình báo cho thấy có nguy cơ cao xảy ra các cuộc biểu tình trong ngày 5/8.

Với lệnh giới nghiêm toàn bộ, người dân chỉ có thể đi ra ngoài nếu có giấy phép thông hành chính thức, thường sử dụng trong các dịch vụ thiết yếu như an ninh và cấp cứu.

Các phương tiện của cảnh sát liên tục tuần tra tại thành phố chính Srinagar từ chiều tối 3/8 và sáng 4/8, đồng thời phát loa kêu gọi người dân ở trong nhà trong thời gian giới nghiêm.

Từ sáng 3/8, giới chức cũng đã bố trí những hàng rào dây thép gai và rào chắn thép tại các tuyến đường chính ở thành phố Sriagar. Hàng nghìn binh lính chính phủ cũng đã được triển khai trên toàn thành phố và nhiều làng mạc xung quanh.

Trước lệnh giới nghiêm, vùng này đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, hầu hết các hoạt động kinh tế và giao thông công cộng đều bị giới hạn.

Kashmir là vùng lãnh thổ có 7 triệu dân, đa số người theo đạo Hồi, nằm dưới chân dãy núi Himalaya. Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này.

Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.

Từ ngày 5/8/2019, chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã triển khai quy chế điều hành trực tiếp với Kashmir với cam kết mang lại hòa bình và thịnh vượng cho vùng lãnh thổ này sau 3 thập kỷ bạo lực khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

(theo DW)