📞

Ấn Độ và Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại Myanmar

17:07 | 21/09/2016
Rõ ràng hai nền kinh tế lớn của khu vực châu Á đang tập trung chiến lược tại quốc gia Myanmar nhỏ bé.
Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Myanmar Htin Kyaw hôm 29/8. (Nguồn: Reuters)

Ngay sau khi Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi vừa mới kết thúc chuyến thăm Trung Quốc không bao lâu, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj ngày 22/8 đã có chuyến thăm đến Myanmar. Tiếp theo sau đó, Tổng thống Myanmar lại có chuyến thăm Ấn Độ vào ngày 29/8.

Theo tờ Times of India, việc lãnh đạo cấp cao hai nước Ấn Độ và Myanmar thăm lẫn nhau đã mở rộng quan hệ hợp tác giữa Chính quyền của Thủ tướng Modi và Myanmar, là bước quan trọng để thúc đẩy “Chính sách Hành động hướng Đông” của Ấn Độ.

Khi chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc đang kéo dài thông qua Myanmar để đến Nam Á và hướng tới Ấn Độ Dương, thì “Chính sách Hành động hướng Đông” của Ấn Độ lại nhắm đúng vào khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Rõ ràng hai nền kinh tế lớn của khu vực châu Á đang tập trung chiến lược tại quốc gia Myanmar nhỏ bé này. Tuy nhiên, hiện kim ngạch thương mại và đầu tư trực tiếp của Ấn Độ tại Myanmar vẫn khiêm tốn hơn so với Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Myanamar Aung San Suu Kyi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 19/8. (Nguồn: Reuters)

Theo tờ Times of India, trong chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Myanmar và Ấn Độ, hai bên đã tập trung bàn bạc về các vấn đề như thương mại, vận tải, y tế, điện lực, giáo dục và an ninh... Ấn Độ mong muốn mở rộng đầu tư tại Myanmar, đồng thời cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc trên lĩnh vực cơ sở hạ tầng và và năng lượng... Một trong những dự án hợp tác chính giữa Ấn Độ và Myanmar là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dài 6.900 km và dự án đường bộ dài 1.400 km nối liền Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan.

Một số nhà quan sát nhận định những hoạt động kinh tế của Ấn Độ tại Myanmar dường như muốn né tránh va chạm với Trung Quốc. “Hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar - Ấn Độ - Bangladesh” rõ ràng đã bàn gần 20 năm mà chưa hề có hành động thực chất nào. Trên thực tế, Ấn Độ dường như có hứng thú hơn với sáng kiến “hành lang kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” do Nhật đề xuất, sáng kiến này có kế hoạch kết nối các nước Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, có sự phân biệt rõ rệt với Hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar - Ấn Độ - Bangladesh là không có sự hiện diện của Trung Quốc.

Trên phương diện văn hóa, Myanmar có nhiều sự gần gũi với Ấn Độ như tôn giáo, trang phục, âm nhạc, ẩm thực, đây là một ưu thế của Ấn Độ so với Trung Quốc. Đối với cạnh tranh của Ấn Độ và Trung Quốc tại Myanmar, nguyên Đại sứ Myanmar tại Ấn Độ Preet Malik trong cuốn hồi ký của mình đã từng viết: chính sách mở cửa của Myanmar trong thời kỳ mới là muốn tránh khỏi sự quá phụ thuộc vào Trung Quốc, tăng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ. Điều này cũng khó tránh khỏi việc Ấn Độ sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc, tuy nhiên cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có thể có những hợp tác thực chất tại Myanmar.

(theo Times of India)