Ấn Độ vật lộn với cuộc chiến 'giữ chân' nhân viên công nghệ thông tin hàng đầu. (Nguồn: Nikkei Asia) |
Nhân tài công nghệ thông tin nhảy việc
Các nhà xuất khẩu dịch vụ phần mềm của Ấn Độ đã làm tốt trong suốt đại dịch Covid-19 khi các công ty trên thế giới đổ xô nâng cấp công nghệ.
Nhưng khi nhu cầu về các chuyên gia công nghệ thông tin tăng lên, những gã khổng lồ như Infosys và Wipro đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt kỹ sư công nghệ thông tin ngày càng cao.
Arka Bagchi hiện đang làm việc cho công ty công nghệ thông tin hàng đầu đất nước sông Hằng có trụ sở tại Bengaluru. Anh đang chuyển sang chỗ làm mới có quy mô nhỏ hơn, nhưng mức lương cao hơn. Sau khi xin thôi việc, công ty cũ đã đề nghị anh vào một vị trí công việc ở nước ngoài, nhưng anh từ chối.
Bagchi chia sẻ: "Họ không sẵn sàng tăng lương cho tôi. Vì vậy, mặc dù quy mô của công ty mới nhỏ hơn, nhưng tôi vẫn nhận lời đề nghị công việc vì tôi thấy có khả năng phát triển sự nghiệp".
Kịch bản này cũng đang diễn ra ở tất cả 4 công ty công nghệ thông tin hàng đầu Ấn Độ, bao gồm Tata Consultancy Services (TCS), Infosys, HCL Technology và Wipro - nơi tỷ lệ nhân viên "nhảy việc" rơi vào khoảng từ 7,2%-15,2% tính đến tháng 3 năm nay.
Trong quý I/2021, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc của Infosys đã tăng từ 10% lên 15,2%, trong khi con số này của Wipro là 12,1%. Tính đến nay, Infosys có 259.619 nhân viên và Wipro có 197.712 người.
Tuy nhiên, HCL Technology và TCS đã cố gắng giữ tỷ lệ nhân viên bỏ việc ở con số tương ứng là 9,9% và 7,2%.
Trong cuộc họp báo trực tuyến vào ngày 14/4, Giám đốc điều hành của Infosys Pravin Rao cho biết: "Tỷ lệ nhân viên bỏ việc tăng lên, điều đó phản ánh nhu cầu thay đổi môi trường làm việc mạnh mẽ, nhưng chúng tôi vẫn tự tin về các sáng kiến gắn kết nhân viên của công ty, cũng như nguồn nhân tài rộng lớn và khả năng đào tạo để đảm bảo sự liền mạch".
Chính sách níu chân hấp dẫn
Kể từ khi chuyển sang làm việc trực tuyến do đại dịch Covid-19, các công ty công nghệ thông tin của Ấn Độ đã thu được lợi nhuận kỷ lục kể từ tháng 12 năm ngoái.
Giờ đây, những ông lớn công nghệ của Ấn Độ mong đợi quá trình chuyển đổi kỹ thuật số sẽ hoàn thành trong 2 năm, nhanh hơn so với kỳ vọng 3-5 năm trước đó.
Trong báo cáo thu nhập tháng 4/2021, Wipro dự kiến tăng trưởng từ 2-4% doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin, đạt 2.195-2.238 tỷ USD.
Sự phát triển trong lĩnh vực này cũng thúc đẩy các công ty thuê thêm nhân viên và tăng lương để giữ chân nhân tài.
Đầu tháng này, TCS cho biết đã tăng lương cho nhân viên từ ngày 1/4. Đây là lần tăng lương thứ 2 trong vòng 6 tháng.
Trước đó, vào tháng 10/2020, Infosys công bố quyết định về các chương trình tăng lương và thăng chức, bắt đầu áp dụng từ tháng 1/2021.
Tất cả 4 công ty đều báo cáo kết quả kinh doanh khả quan.
Tính đến tháng 3/2021, TCS - tập đoàn dẫn đầu thị trường IT của Ấn Độ, đã ghi nhận mức tăng tài sản ròng hằng năm 0,26%, đạt 325,62 tỷ Rupee (4,3 tỷ USD) do thu nhập quý trước tăng mạnh. Doanh thu cả năm tăng 3,72%, lên 1,67 nghìn tỷ Rupee so với một năm trước.
Còn theo báo cáo của HCL Technology, thu nhập ròng của công ty tăng 17,6% lên 130,11 tỷ Rupee, tổng doanh thu năm vừa qua đạt 753,79 tỷ Rupee, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Wipro cho biết, lợi nhuận ròng cả năm tăng 14,6% lên 107,9 tỷ Rupee, trong khi doanh thu tăng 1,5% ở mức 619,4 tỷ Rupee.
Trong khi đó, Infosys báo cáo doanh thu hơn 1 nghìn tỷ Rupee, cao hơn 10,66% so với năm trước; thu nhập ròng đạt 193,51 tỷ Rupee, tăng 16,73%.
Tuy nhiên, những khoản lợi nhuận này đã được tính vào giá cổ phiếu của các công ty.
Cổ phiếu của TCS đã giảm 4% một ngày sau khi công bố thu nhập vào giữa tháng 4 và giảm khoảng 10% kể từ thời điểm đó đến nay.
Cổ phiếu của Infosys và HCL cũng giảm sau thông báo mới nhất về thu nhập. Sự sụt giảm này một phần là do lo ngại về việc tăng chi phí liên quan đến nguồn nhân lực.
Chuyên gia Apurva Prasad của HDFC Securities cho rằng, việc cạnh tranh tuyển dụng giữa các công ty đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong những quý tới, do nhu cầu nhân sự có kỹ năng cao tăng lên cũng như nhằm đáp ứng các vị trí trống.
Ông nói: "Việc nhân viên bỏ việc, theo một cách nào đó, là một vấn đề tốt cần phải có. Các công ty có kinh nghiệm trong việc kiểm soát vấn đề 'nhảy việc' sẽ có nhiều lợi thế hơn, bởi vì các phương pháp vận dụng tài năng, tiền đồ phát triển cũng như sức mạnh thương hiệu đều tốt hơn".
Tuy vậy, các công ty sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn và biên lợi nhuận bị siết chặt, nếu họ phải trả nhiều hơn để giữ chân nhân viên và mở rộng lực lượng lao động.
Một chuyên gia khác cho biết: “Một số công ty từng tăng lương một lần cho nhân viên sẽ phải chịu áp lực tăng lương tiếp và tăng ở mức cao hơn. Điều này sẽ làm tăng chi phí hoạt động và tác động đến cả lợi nhuận”.
Trên thực tế, báo cáo ngày 13/5 của Nomura Global Research cho biết, thu nhập trước lãi vay và biên lợi nhuận thuế (EBIT) tại các công ty công nghệ thông tin cấp 1 đã giảm khoảng 50-260 điểm cơ bản, chủ yếu do các vấn đề như tăng lương, chi phí nhà thầu phụ cao hơn và số lượng người lao động nhiều hơn.