Đáp ứng nhu cầu Tết Giáp Thìn 2024, các xưởng gốm Bát Tràng đã tạo ra nhiều sản phẩm mang hình tượng rồng đặc sắc. Đặc biệt, trong số đó có sản phẩm độc đáo lấy cảm hứng từ ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết Nguyên đán tới gần là lúc các cơ sở kinh doanh gốm sứ cho ra những sản phẩm độc đáo mang hình tượng linh vật theo năm con giáp năm đó. Trong đó, một cơ sở kinh doanh gốm sứ tại Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đã tạo ra mẫu sản phẩm quà tặng hình tượng rồng cho năm Giáp Thìn 2024 mang tên "Dấu ấn Rồng thiêng".
Những ngày này, ông Phạm Việt Khoa cùng những người thợ làm gốm đang tất bật hoàn thiện những sản phẩm có biểu tượng linh vật rồng theo đơn hàng của một cơ sở kinh doanh phục vụ nhu cầu khách tiêu dùng.
Ông Khoa sinh ra và lớn lên tại Bát Tràng, tính tới nay đã có gần 40 năm gắn bó với nghề làm gốm sứ. Để bảo đảm đủ đơn đặt hàng sản phẩm phục vụ Tết Giáp Thìn 2024, xưởng của ông Khoa có 4 nhân sự, nhiều thời điểm phải làm tăng ca từ sáng tới đêm.
Theo ông Khoa, tạo hình từ đất sét là công đoạn khá quan trọng, làm sao để tạo sản phẩm có hình dáng đúng theo mẫu, rồng mang yếu tố Việt Nam chứ không nhầm lẫn sang nước khác.
Những sản phẩm gốm hình tượng rồng sau khi hoàn thiện phần tạo hình bằng đất sét sẽ được đem đi tráng men và nung.
Sản phẩm sau khi ra khỏi lò nung sẽ đi tới công đoạn được chờ đợi nhất là vẽ vàng. Người thợ thủ công sẽ sử dụng vàng pha dạng lỏng đi từng đường nét trên sản phẩm rồng, sau đó sẽ tiếp tục nung từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ nữa để có được độ nổi bật, sang trọng.
Anh Mạc Triều Dương là thợ đã có 4 năm theo việc vẽ trên các sản phẩm gốm sứ cho biết, để hoàn thiện vẽ một sản phẩm linh vật rồng Giáp Thìn 2024, trung bình anh mất khoảng 2,5 tiếng, một ngày vẽ nhiều nhất được 5 sản phẩm. Khó nhất là vẽ các chi tiết ẩn khuất, nằm sâu sau các khe nhỏ hẹp trên sản phẩm.
Sản phẩm vẽ hoàn thiện đạt được độ sáng đều của vàng, không có vết cháy, các nét vẽ phải liền mạch, không ngắt quãng.
Ông Nguyễn Văn Lực, đơn vị lên ý tưởng và đặt hàng các nghệ nhân thực hiện sản phẩm kỳ linh Giáp Thìn chia sẻ, sản phẩm được lấy cảm hứng từ ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" - một bảo vật vô giá của Việt Nam - và tạo hình dựa lấy cảm hứng từ rồng thời Lê đang được ngự tại Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long.
Ba mặt trên ấn được điêu khắc 3 chữ An - Thuận - Phát tượng trưng cho sự an lành, thuận lợi và phát triển, mặt còn lại là hình ảnh Cá chép hóa rồng. Mặt đế không được tạo tác, sơn vẽ.
Giá thành của các sản phẩm được chào bán từ 6-9 triệu đồng tùy các phiên bản và màu sắc.