Nhỏ Bình thường Lớn

Ấn-Nhật-Mỹ tập trận hải quân chung

Ngày 24/7, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung kéo dài một tuần mang tên "Malabar" tại Thái Bình Dương nhằm tăng cường quan hệ hải quân trong bối cảnh ba nước này đang thận trọng trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

Sau lễ khai mạc chính thức diễn ra ngày 24/7 tại căn cứ hải quân Sasebo ở miền Nam Nhật Bản, các tàu chiến của ba nước sẽ thực hiện các hoạt động của cuộc tập trận chung này vào ngày 25/7. Cuộc tập trận với sự hiện diện của 800 binh sĩ hải quân, được tiến hành sau khi Mỹ công bố chiến lược “xoay trục sang châu Á” nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương. Sự chuyển đổi lực lượng quân sự của Mỹ được coi như một phần của sáng kiến mới để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ nói rằng Ấn Độ sẽ “tự chủ về chiến lược”, không tham gia chính sách nào do Mỹ đứng đầu chống Trung Quốc.

Cuộc tập trận hải quân chung Ấn-Nhật-Mỹ, với sự tham gia của tàu chiến, tàu khu trục, tàu hậu cần tập trung vào hoạt động chống cướp biển và chống khủng bố. Cuộc tập trận Malabar, một sự kiện thường niên thường chỉ có Ấn Độ và Mỹ tham gia, song Lực lượng Phòng vệ trên Biển của Nhật Bản (MSDF) cũng tham gia cuộc tập trận lần này. Nhật cũng tham gia năm 2009 nhưng sau đó, không có nước thứ ba nào được mời cuộc tập trận chủ yếu của hải quân Mỹ và Ấn này. Ấn Độ và Nhật hiện có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc, và họ cùng chia sẻ nỗi quan ngại về những tham vọng quân sự của Bắc Kinh. Các nhà phân tích ở Ấn Độ nói quyết định mời Nhật tham dự Malabar 2014 là tín hiệu về một chính sách hàng hải mạnh mẽ, tự tin hơn.

Sau cuộc tập trận Malabar 2014, Ấn Độ còn cùng Mỹ tập trận chống khủng bố “Yudh Abhyas” vào tháng 9 tới ở vùng Uttarakhand, theo báo Times of India.

Cả hai chiến dịch này đều là những hoạt động quân sự lớn của quân đội Ấn Độ, từ khi đảng Bharatiya Janata Party (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi giành chiến thắng ở kỳ bầu cử Quốc hội Ấn hồi tháng 5.2014

Trung Quốc vốn thiếu khả năng trực tiếp tiếp cận Ấn Độ Dương và các tuyến hàng hải Thái Bình Dương, cuộc tập trận hải quân Malabar là một điều đáng lo của họ. Trái với Malabar 2007 ở Vịnh Bengal tức cách xa bờ biển Trung Quốc, Malabar 2014 diễn ra ở bắc Thái Bình Dương. Vì vậy Bắc Kinh có thể sẽ lo lắng khi họ đang tranh chấp quần đảo Điếu Ngư với Nhật vốn đang kiểm soát nhóm đảo này và gọi là quần đảo Senkaku.

Ngọc Quỳnh (tổng hợp)