📞

Ăn Tết xưa và nay

14:00 | 16/02/2018
Bây giờ mà dùng từ “ăn Tết” chủ yếu là nói chuyện nghỉ ngơi, du lịch, thăm thú, chứ không lo toan nhiều về việc ăn uống. 

Nhưng rõ ràng khi người lớn chuẩn bị Tết cho gia đình, mục đầu tiên vẫn là lo thực phẩm: gạo thịt, rượu bia, bánh kẹo, hoa quả... Gì thì gì cũng phải có bánh chưng, chả thế mà các Cụ có câu: “no ba ngày Tết, ấm ba tháng hè”! Tết mà đói là dông cả năm, nên giàu hay nghèo đều có sự chuẩn bị cho đón Tết!

Những năm đất nước còn chiến tranh, đời sống vất vả vô cùng. Mọi thứ đều bán theo tem phiếu (không cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho dân, nên nhà nước phải nghĩ ra các loại tem phiếu). Phiếu E một tháng 2 lạng thịt, nửa lít nước mắm, 3 lạng đường; thỉnh thoảng có hàng đậu phụ, chả cá, lá dong...thì cắt vào ô phụ; phiếu D tiêu chuẩn cao hơn, dành cho cán bộ công chức có mức lương trên 70 đồng. Dân thành thị thì có tem phiếu hàng tháng, nông dân ngoại thành thì mỗi gia đình có một cuốn sổ thực phẩm, muốn mua thịt thì phải chịu khó chăn nuôi rồi đem “cân” cho nhà nước sẽ được trích lại mấy cân tem phiếu. Nhưng quan trọng vô cùng đó là Sổ gạo. Đánh mất gì cũng không xót bằng mất sổ gạo; hồi ấy có câu “mặt nghệt như mất sổ gạo”, vì không có sổ là không đong được gạo, là đói! Đợi cấp được sổ mới hả? Còn khuya nhé!

Có tem phiếu nhưng để mua được thịt thì còn phải xếp hàng gian truân lắm. Còn nhớ, tôi lên 10 tuổi được bố mẹ giao đi mua thịt ở nhà xanh (Cửa hàng thực phẩm mậu dịch khi ấy) với nhiệm vụ là: đi thật sớm xếp hàng đầu để mua được thịt thủ, vì 1 cân tem phiếu có thể mua được 2 kg thịt thủ, nên ai cũng muốn, dù rằng thủ làm sao ngon bằng nạc vai. Tôi đi từ 2 giờ sáng, mắt nhắm mắt mở lếch thếch đôi dép rách, cái áo bông cũ cũng rách, cắp nách cái rổ rách đi bộ 2 cây số đến nhà xanh xếp rổ. Tưởng sớm nhất, ai dè có mấy bà lão còn ngồi thu lu ở đó từ chập tối cơ chứ. Ờ, thì thứ tư cũng là may rồi. Tôi lấy hòn gạch vỡ bỏ vào cái rổ cho chắc, đặt sau bà cụ và dặn: Cụ ơi, cháu là thứ bốn, xếp sau cụ đấy nhé. Xong xuôi, yên chí, tôi qua bên đường, leo lên chạc cây phượng dại tìm chỗ dựa ngồi đợi sáng. Đêm lạnh gió bấc vậy mà vẫn thiếp đi được mới tài. Bỗng tôi giật mình rơi tõm xuống ruộng lúa mới cấy ven đường. Ướt rượt và be bét bùn. Lập cập răng đánh nhịp mà không biết hỏi ai đã mấy giờ rồi. Về nhà thì xa quá, nhỡ mất lượt; mà đợi thì rét và đói cào cấu đến ruột gan...

Nhà tôi có 9 người, nên sổ mua hàng tết thuộc loại trên 5 dưới 10; tức là loại đông, nhưng chưa đủ 10 nên thành loại B: tiêu chuẩn được mua 3 gói lá dong, một lít nước mắm loại đồng rưỡi (hơn loại đồng mốt mặn chát đấy), một gói mì chính và nửa hộp mứt thập cẩm (hai nhà chung 1 gói), một gói chè mạn và hai bao thuốc lá Trường Sơn. Mỗi Tổ lao động của HTX nông nghiệp được thịt một con lợn, chung nhau chia phần. Tôi nhớ như in cảnh ngồi lổm nhổm ở sân kho gió lùa đợi nhận phần thịt. Bốn chục gia đình, bốn chục xuất chia sao cho đồng đều là việc không đơn giản. Bác đội trưởng còn hô vài lần: Nước xuýt miễn phí, nhà nào muốn lấy thì mang dụng cụ đựng để chia nhau. Đận ấy, thằng em tôi lóng ngóng bước vội thế nào, vấp ngã, vỡ cả liễn, nước xuýt bắn đầy người. May mà bố mẹ tôi thương xót con nên không mắng một câu nào…

Khi người ta già thường sống với rất nhiều kỉ niệm. Mà những kỉ niệm đói khổ lại thường nhớ nhiều hơn, đậm nét hơn những kỉ niệm khác. Đấy là những ngày đón Xuân trên mâm pháo của anh em pháo thủ trực chiến năm 1972. Năm anh em chung nhau một điếu thuốc cuộn, phì phèo kể cho nhau những nỗi niềm xa quê khi giao thừa đến. Đã hơn 45 năm qua đi, vậy mà những nụ cười lính trẻ vẫn như vang vọng mỗi khi Tết đến Xuân về.

Hồi ấy, một thời mọi người đều nghèo nhưng tình người lại đầy và ấm lòng lắm!

Bây giờ, lớp trẻ vẫn bảo: Thời nghèo khó đó đã xa lắm rồi!

Bây giờ chỉ không quá nửa buổi là đã lo xong thực phẩm Tết, thậm chí ngồi nhà gọi điện là mọi thứ được chuyển đến tận nơi. Tuy rằng có gia đình vẫn chưa thoát nghèo, nhưng không ít nhà cuộc sống no đủ, không phải chạy lo ăn - mà đã đạt mức ăn ngon mặc đẹp. Khoảng cách giàu-nghèo đã dãn ra xa nhau lắm lắm.

Tết năm nay được nghỉ dài, đến hơn một tuần liền; nhiều gia đình đã lên kế hoạch du lịch nước ngoài, hoặc cho con cháu về thăm quê, ăn tết với họ hàng… Tết là dịp để những người thân trong gia đình tụ hội, cùng thắp nén nhang tưởng nhớ ông bà tổ tiên, hướng dẫn cho lũ trẻ hiểu rõ cội nguồn; Tết cũng là dịp để sắm sửa thêm đồ nội thất, mua cho các con các cháu những bộ quần áo mới…Tết cũng là những dịp lễ hội tưng bừng khắp các làng quê, là dịp các con cháu quây quần bên ông bà nội ngoại, tống cựu nghênh tân…

Tết cũng còn là dịp được chiêm ngưỡng những sản vật độc đáo. Có cây bonsai giá hàng tỷ bạc, có cây đào vài ba chục triệu. Ai cũng có mong muốn sắm mua được của ngon vật lạ. Những trái dưa hình hồ lô, những bông hoa màu sắc và hương thơm kỳ lạ…Còn ăn uống - thì chỉ là việc không quan trọng. Ngày nào cũng thịt cá, nên không ít người sợ béo lại thích rau dưa để tránh mỡ máu, tiểu đường. Điều mà trước kia mấy chục năm chiến tranh không và chưa hề có.

Các cụ thường nói: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tùy theo túi tiền mà chi dùng tết sao cho hợp lý, không nên “kiễng chân” học đòi làm sang để rồi mang nợ!  Việc chi tiêu ngày tết phải tùy theo gia cảnh, chả thế các cụ có câu: “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Hiểu theo nghĩa nào cũng đều đúng cả!.

Ăn uống ngày Tết cũng là một nghệ thuật, “ăn tùy nơi, chơi tùy chốn”, khoảng cách từ miệng chén đến miệng môi là xa vời vợi”; không phải đói là tìm cái ăn, khát là lao vào uống. Không ít bạn vì nể chúng bạn, hoặc vì muốn thể hiện tửu lượng cao mà “quá chén” sinh ra hậu quả khó lường. Thời buổi xe cộ đông đúc hơn mắc cửi, rất dễ xảy ra tai nạn, không cẩn thận là “đi luôn” không kịp từ biệt một ai cả!

Cuộc thảo luận với chủ đề “Ăn để sống hay sống để ăn” vẫn đang sôi nổi trên mạng xã hội không nghiêng hẳn về bên nào; Nếu không có ăn thì sống làm sao được! Chuyện kể rằng: Thằng Chân, thằng Tay ghen tỵ vì thằng Mồm không chịu làm lụng, chỉ ngồi mát mà ăn; thằng Mồm cáu quá, tuyệt thực, thế là mấy thằng kia van lạy để thằng Mồm mới lại chịu ăn cho. Chắc lập luận này đúng với thời xa xưa nhiều hơn. Khi ấy cả dân tộc đều đồng lòng diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Ngày nay, chỉ rất ít nhà không có nổi miếng ăn ngày Tết. Nạn đói năm Ất Dậu 1945 chắc chắn không thể tái diễn trên đất nước mình. Trong các nhu cầu của cuộc sống thì nhu cầu thưởng thức món ngon món lạ, đặc sản của các vùng miền trở nên khá phổ biến.

Ví dụ bên Tây, ở nước Đức người ta có văn hóa uống bia theo mét (quán Bia Mét ở Berlin, Đức nổi tiếng với những cốc vại to và ngon có tiếng), với quan điểm là: Bia hơi uống ngoài quán, bia chai mang về nhà còn bia lon là dành mang đi du lịch; nghĩa là ra quán chẳng ai gọi bia lon bao giờ, còn mang bia hơi về nhà thì chả còn ngon nữa!

Ví dụ ở bên Đông, nước Nhật, ăn món sushi dứt khoát phải ra quán mới ngon, mới được thấy chủ quán người Nhật chế tác từng miếng ăn điêu luyện và phục vụ theo khẩu vị từng người ,tài hoa đến ngạc nhiên.

Còn Việt Nam mình, mong các bạn chia sẻ và bổ sung vào chủ đề Văn hóa ẩm thực của người Việt ngày Tết cổ truyền; để chúng mình cùng được cảm nhận cái tinh tế, cái dư vị và màu sắc tuyệt vời của các món ăn ngon nhé!

Chắc chắn ngày Tết, món ăn nhiều lắm; tiệc tùng vui lắm. Xin được nâng cốc để cung chúc Tân Xuân, chúc các bạn an khang thịnh vượng!

Nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội