Trong cuộc đời làm công tác ngoại giao của mình, có lẽ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 10/2022 là một trong những hoạt động ngoại giao để lại cho tôi nhiều điều đặc biệt và ấn tượng sâu sắc nhất, trong đó có sức hút đặc biệt từ phong cách và tư tưởng ngoại giao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chọn Trung Quốc là nước đi thăm đầu tiên sau khi tái đắc cử ở nhiệm kỳ mới thể hiện tầm nhìn chiến lược và suy nghĩ sâu sắc, thấu tình, đạt lý của Đồng chí Tổng Bí thư trong xử lý quan hệ đối ngoại với các nước lớn, tạo môi trường bên ngoài thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thúc đẩy sự nghiệp vĩ đại của Đảng ta.
Hiếm khi Trung Quốc đón nhà Lãnh đạo một quốc gia với nhiều nghi lễ và tình cảm đặc biệt như vậy. Lần đầu tiên kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến nay, trong cùng một hoạt động đón tiếp Nguyên thủ nước ngoài, toàn thể 07 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc cùng xuất hiện tại buổi chiêu đãi chính thức; cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Quảng trường Thiên An Môn Trung Quốc treo cờ một chính đảng - Đảng Cộng sản Việt Nam bên cạnh cờ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên Trung Quốc đón chính thức trong thời gian Trung Quốc vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch Covid-19. Đây cũng là lần đầu tiên sau 03 năm, Trung Quốc tổ chức bắn đại bác tại Quảng trường Thiên An Môn và phá lệ khi bắn 21 loạt đại bác chào mừng ngay cả khi Lễ đón diễn ra trong nhà, đây đã thể hiện sự trân trọng vô cùng đặc biệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Kết quả chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Nguồn: TTXVN) |
Có thể nói, quan hệ cá nhân giữa nhà lãnh đạo cao nhất của hai Đảng Việt Nam-Trung Quốc rất thân thiết và vượt trên các khuôn khổ ngoại giao thông thường trong quan hệ quốc tế.
Trong các hoạt động tiếp xúc cấp cao, các đồng chí Lãnh đạo và cán bộ cả Việt Nam-Trung Quốc đều bị cuốn hút bởi phong thái ngoại giao điềm đạm, cách nói chuyện sâu sắc nhưng vô cùng gần gũi, giản dị, luận điểm kiên định, khí chất mạnh mẽ nhưng hết sức uyển chuyển, linh hoạt với tầm nhìn sâu rộng và kiến thức uyên bác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tất cả đã tạo ra bầu không khí tràn đầy hữu nghị giữa những người đồng chí, anh em; đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình từng cảm nhận và tâm sự: "Khi trao đổi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy rằng, nói càng nhiều, càng thấy thú vị và càng thấy thân thiết”.
Qua đây có thể thấy cách nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo được sức hút và sự lôi cuốn đặc biệt, đó là bởi Tổng Bí thư luôn "biết nhu, biết cương, biết thời, biết thế, biết mình, biết người, biết tiến, biết thoái, tùy cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt", một phong cách rất gần gũi và có nhiều điểm rất giống với phong cách ngoại giao "đắc nhân tâm" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Huân chương cao quý nhất mà Trung Quốc chỉ trao tặng cho các nhà lãnh đạo các nước có đóng góp kiệt xuất trong việc thúc đẩy giao lưu hợp tác giữa Trung Quốc với nước ngoài, đã cho thấy tầm vóc lớn lao, sức hút mạnh mẽ và những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói riêng cũng như đối với sự nghiệp đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nói chung.
Ấy vậy mà, trong phát biểu đáp từ tại Lễ trao Huân chương Hữu nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không nhận vinh dự và công trạng đó là của cá nhân mình, Tổng Bí thư chỉ khiêm nhường: “Tôi chỉ là hạt cát trong bãi biển nhân dân Việt Nam. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trao tặng huân chương cao quý này không chỉ là vinh dự dành cho cá nhân tôi mà còn thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước Trung Quốc, cá nhân Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam”.
Có thể thấy những triết lý sâu xa trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết, luôn khiêm nhường và giản dị, luôn coi bản thân chỉ là “hạt cát nhỏ bé” trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Chính những triết lý và tư tưởng sâu sắc cùng nghệ thuật ngoại giao vô cùng cuốn hút đã tạo nên một phong cách ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư, “thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!”, đó chính là phong cách ngoại giao uyển chuyển, linh hoạt, cuốn hút nhưng đầy bản lĩnh, kiên định và mang đậm tính triết lý và thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.