📞

Ấn tượng từ giao lưu truyền thống

16:38 | 25/12/2018
Những màn hầu đồng mới lạ và tinh tế của Việt Nam hòa cùng những điệu múa truyền thống Ấn Độ quyến rũ đã tạo nên một đêm ấn tượng, sôi động và thắm tình hữu nghị tại Viện Truyền thống Đại chúng Ấn Độ.

Đêm giao lưu, giới thiệu tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ Phủ của người Việt và múa truyền thống Ấn Độ, nằm trong chuỗi sự kiện Hội thảo truyền thông văn hoá Việt Nam - Ấn Độ và Hội nghị về y học cổ truyền Việt Nam - Ấn Độ, do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Viện Truyền thống Đại chúng Ấn Độ, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi tổ chức vào trung tuần tháng 12 vừa qua. 

Tương đồng và mới lạ

Sau lời phát biểu ngắn gọn, đầy cảm xúc, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã giới thiệu về nét đẹp trong Nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ Phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh. 

Tiếp sau đó là chương trình biểu diễn được hai nghệ nhân dân gian nổi tiếng là Giám đốc Trung tâm UNESCO Bảo tồn Di tích lịch sử Văn hóa Ba Vì, Sơn Tây, Hà Nội kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và ứng dụng Phật học Việt Nam Đặng Thị Mát và Nghệ nhân dân gian, Giám đốc Công ty trao đổi văn hóa và giáo dục đào tạo,  Nhà văn hóa Nguyễn Đức Hiển lựa chọn. 15 tiết mục tiêu biểu của nghi thức hầu đồng do 15 nghệ nhân thanh đồng diễn xướng đã làm mãn nhãn người xem tại sân khấu của Viện Truyền thống Đại chúng Ấn Độ.

Đại sứ Phạm Sanh Châu ( thứ 4 từ trái) cũng Tổng giám đốc Viện Truyền thống Đại chúng Ấn Độ K.G Suresh (thứ 7 từ trái), nghệ sỹ múa nổi tiếng Ấn Độ Sonal Mansingh (thứ 5 từ trái) tặng hoa và trao giấy chứng nhận cho các thành viên trong đoàn. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ)

Hơn 1,5 tiếng đồng hồ, Đoàn nghệ thuật đã làm nổi bật nghi thức Hầu đồng với âm thanh dập dìu của cung văn như mê hoặc, đưa các giá hầu Thánh nam (từ hàng Quan đến hàng Ông Hoàng, hàng Cậu) và Thánh nữ (từ hàng Chầu tới hàng Cô) đến với công chúng Ấn Độ. Từ những giá hầu uy nghi như quan Đệ Tam, Đệ Ngũ, ông Hoàng Bảy, Hoàng Mười, đến những giá hầu vui tươi như giá Chầu Năm Phương, giá Cô Chín, Cô Bé… đã đưa khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc với những sắc màu mới lạ.

Cao trào chương trình biểu diễn hầu đồng được đẩy lên, khi phần tương tác giữa các thanh đồng và khán giả được thực hiện. Các thanh đồng gửi tặng những sản vật sau khi đã dâng thần thánh tới các khán giả làm cả khán phòng như vỡ òa.  

Đặc biệt, bên cạnh chương trình giới thiệu nét đẹp của nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam là tinh hoa của tín ngưỡng Ấn Độ qua các điệu múa cổ truyền như: Kathak, Bharatnatyam, Dashavatar… mang nội dung ca ngợi các vị thần linh thiêng của Ấn Độ như: thần Krishna, vị thần tối thượng Vishnu... Hình tượng các thần linh được biểu cảm hết sức linh thiêng và gần gũi. Những kỹ thuật từ ngón tay đến những màn gõ chân cực kỳ điêu luyện của các nghệ sỹ, sự biểu cảm hình thể, tạo khối tay và chân ra, vào vuông vức - đường nét múa tưởng như ngẫu hứng, nhưng lại theo những nghiêm luật nhất định, làm cả khán phòng lúc tĩnh lặng, khi ùa vang những tiếng vỗ tay không ngớt.

Thành viên Đoàn Ấn Độ Indu Sheema chia sẻ: “Chương trình của hai đoàn thật gần gũi. Các bạn ca ngợi các vị thần anh linh dân tộc, chúng tôi cũng ca ngợi các vị thần tối thượng của Ấn Độ. Đoàn Việt Nam đã trình diễn những điệu múa hầu đồng rất đẹp, tinh tế và mang lại niềm vui cho tất cả mọi người. Những điệu múa cổ điển của Ấn Độ cũng không kém phần hấp dẫn với những loại trang sức quyến rũ, những bước nhảy uyển chuyển.”

Bà Tanushree, một nghệ sỹ Ấn Độ, cho biết thêm: “Điệu múa là nhân tố quan trọng nhất trong bất kỳ nền văn hóa của bất cứ đất nước nào. Chương trình này thực sự là một cuộc hội ngộ của những nghệ sỹ tài năng đại diện cho văn hóa Nam Á và Đông Nam Á.”

Như quen tự thủa nào

Tôi may mắn được tham gia trong cương vị MC của Đoàn Việt Nam. Trước giờ biểu diễn, hai đoàn Việt - Ấn đều tập trung phía sau cánh gà. Diễn viên Patel nhẹ nhàng hỏi về chiếc áo dài tôi đang mặc. Patel rất vui mừng khi tôi cho bạn biết đóa hoa sen trên áo dài tôi đang mặc chính là quốc hoa của Việt Nam. Rồi, vẻ đẹp của áo dài là tôn vẻ đẹp ở cổ ở ngực, còn saree của Ấn Độ chú trọng ở tay ở eo… Cứ thế, những chia sẻ về văn hóa thật thú vị đã nhanh chóng lan ra cả đoàn, giúp chúng tôi mới gặp nhau lần đầu mà như quen tự thủa nào.

Hơn 1,5 tiếng đồng hồ biểu diễn, các nghệ sỹ trong Đoàn nghệ thuật đến từ Việt Nam đã làm nổi bật nghi thức Hầu đồng trước công chúng Ấn Độ. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ)

Đi biểu diễn ở nước ngoài, vì vậy, các đạo cụ, hành lý không mang được nhiều, các thành viên theo Đoàn cũng ít, nên một người thường phải kiêm luôn nhiều vai. Bản thân tôi vừa làm MC vừa phải chụp ảnh, lại tranh thủ phỏng vấn, viết bài. Các nghệ nhân thanh đồng vừa diễn xướng, vừa xắn tay sắm lễ, cắm hoa bày biện hương án. Các cung văn vừa hát, vừa đàn lại phải kiêm luôn “bốc vác”, chỉnh sửa kỹ thuật, máy móc, âm thanh. Thời tiết khá lạnh, mà những giọt mồ hôi vẫn lấm tấm trên gương mặt các nghệ sỹ… Song, với bản lĩnh sân khấu, tất cả các thành viên đều nhanh chóng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Tiếng vỗ tay không ngớt dưới khán đài. Lời trầm trồ của các khán giả “Màn trình diễn trên cả tuyệt vời!”, “Một trong những buổi biểu diễn ấn tượng nhất mà tôi từng xem!”, “Tôi muốn đến đất nước các bạn để tìm hiểu thêm về nghi lễ này”... Nhiều khán giả bị cuốn hút đã cùng nhảy với các nghệ sỹ, như cô bé Yana cứ kéo tay ba bắt theo chân bà Đặng Thị Mát, nghệ nhân dân gian trong giá ông Hoàng Mười chỉ để được chụp ảnh với bà. Mọi mỏi mệt đều tan biến, nhường chỗ cho những nụ cười luôn rạng rỡ trên môi các nghệ sỹ của cả hai đoàn.

Khi tiết mục cuối cùng khép lại, anh Sompong Khounthavixay, cán bộ ngoại giao Đại sứ quán Lào tại New Delhi chia sẻ: “Đây là một sự kiện tuyệt vời với màn trình diễn đáng kinh ngạc. Là người từng có thời gian học tập tại Việt Nam, gắn bó với văn hóa Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp thưởng thức đặc sản văn hóa tín ngưỡng này của Việt Nam.”

Thật vinh dự khi Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng giám đốc Viện Truyền thống Đại chúng Ấn Độ K.G Suresh, nghệ sỹ múa nổi tiếng kỳ cựu của Ấn Độ bà Sonal Mansingh lên tặng hoa và trao giấy chứng nhận đóng góp của các thành viên trong đoàn góp phần phát triển văn hóa truyền thống tại đất nước Ấn Độ và chụp ảnh kỷ niệm.

Phút chia tay Đoàn nghệ thuật múa truyền thống Ấn Độ, cùng các sinh viên hỗ trợ Đoàn Việt Nam trong thời gian biểu diễn diễn ra thật bịn rịn, với những cuộc hẹn trong tương lai của các thành viên trong đoàn: Chúng tôi sẽ trở lại Ấn Độ, hãy giữ liên lạc nhé!