Khẳng định nước Anh không đòi hỏi tất cả những lợi ích như một nước thành viên, ông Davis cho biết nước Anh đang tìm kiếm khuôn khổ mới cho mối quan hệ đối tác kinh tế gần gũi. Theo ông Davis, nước Anh kỳ vọng về một mối quan hệ thương mại tự do nhất có thể với EU. Thỏa thuận này có thể gần với thỏa thuận thương mại giữa EU và Canada và phải lớn hơn nhiều so với thỏa thuận giữa EU và Na Uy.
Ngoài ra, Bộ trưởng Davis cũng bày tỏ mong muốn về một thỏa thuận Brexit có lợi cho đôi bên, nhấn mạnh “đặt chính trị lên trước sự thịnh vượng không bao giờ là lựa chọn khôn ngoan”. Ông nêu rõ trong thời kỳ chuyển tiếp, Anh sẽ tiếp tục tiếp cận thị trường EU và tuân thủ các quy định của EU, đồng thời khẳng định sẽ không hạ thấp các tiêu chuẩn, cũng như không chấp nhận triển vọng xấu đi của người lao động nước này sau khi rời EU. Sau Brexit, nước Anh sẽ có một chính sách thương mại độc lập và sẽ sử dụng nó để dẫn đầu “cuộc chạy đua về chất lượng và tiêu chuẩn trên toàn cầu”.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, ông David Davis. (Nguồn: Politico) |
Theo ông Davis, London sẽ không bị áp lực với hạn chót vào cuối tuần tới mà Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đưa ra nhằm yêu cầu London có câu trả lời rõ ràng cho những yêu cầu nhượng bộ của EU.
Ông Davis cho biết, ngày quan trọng tiếp theo để đưa ra quyết định là vào dịp Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo EU họp ngày 14 - 15/12. Ông cũng cảnh báo EU không nên để yêu sách về việc nước Anh phải trả thêm tiền cho “hóa đơn ly hôn” phá hỏng triển vọng đạt được thỏa thuận giữa Anh và EU.
Hôm 10/11, ông Barnier đã ra tối hậu thư yêu cầu Anh trong 2 tuần phải đưa ra các nhượng bộ về thỏa thuận “ly hôn” nếu muốn bước vào giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán song phương trong tháng 12 tới. Theo ông, việc Anh tăng đề nghị chi trả cho “hóa đơn rời EU” - mà các quan chức cấp cao EU đưa ra ở mức 60 tỷ Euro (tương đương 70 tỷ USD), có ý nghĩa “sống còn” trong đàm phán giữa hai bên.
Đây là một trong 3 vấn đề then chốt mà EU yêu cầu đạt được tiến bộ đáng kể để chấp nhận mở ra giai đoạn đàm phán thứ hai về mối quan hệ thương mại song phương hậu Brexit. Các vấn đề này bao gồm quyền của các công dân châu Âu sinh sống và làm việc tại Anh, vấn đề thanh toán “các hóa đơn” Brexit và biên giới tương lai giữa Ireland với vùng Bắc Ireland của Anh.