Nga nói bất kỳ sức ép nào của Mỹ nhằm buộc các quốc gia sử dụng đồng USD sẽ phản tác dụng. (Nguồn: Shutterstock) |
Kinh tế thế giới
Tổng nợ công toàn cầu đạt mức cao kỷ lục mới
Theo báo cáo của Hiệp hội Tài chính quốc tế (IIF) công bố ngày 3/12, tổng nợ công toàn cầu đã tăng thêm hơn 12.000 tỷ USD trong ba quý kể từ đầu năm 2024, đạt mức cao kỷ lục mới là gần 323.000 tỷ USD. Nguyên nhân của tình trạng này là chi phí vay giảm và nhu cầu đối với các tài sản rủi ro gia tăng.
Báo cáo của IIF cho thấy, các khoản thâm hụt ngân sách lớn của chính phủ có thể khiến nợ công toàn cầu tăng thêm 1/3 vào năm 2028, đạt gần 130.000 tỷ USD, qua đó làm gia tăng rủi ro trả nợ trên toàn thế giới.
Báo cáo nêu rõ: “Những căng thẳng thương mại gia tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng đang đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu, làm tăng khả năng xảy ra các chu kỳ suy thoái ngắn hạn trên thị trường nợ công. Áp lực lạm phát tái xuất hiện và tài chính công bị siết chặt có thể làm tăng chi phí vay mượn, từ đó gia tăng căng thẳng tài khóa và khiến việc quản lý nợ ngày càng khó khăn”.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump tại Nhà Trắng, với các tuyên bố áp thuế thương mại đối với châu Âu, Mexico, Canada và Trung Quốc. Sự bất ổn tiềm tàng từ các chính sách của ông Trump đã thúc đẩy một số quốc gia phát hành trái phiếu trước khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025, thời điểm thị trường có thể trở nên khó đoán hơn.
Kinh tế Mỹ
* Theo báo cáo của ADP, số lượng việc làm trong khu vực tư nhân của nước Mỹ đã tăng thêm 146.000 trong tháng trước, thấp hơn dự báo tăng 150.000 mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát do Reuters tiến hành trước đó.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định tình hình kinh tế gần đây sẽ giúp Fed thận trọng hơn trong việc quyết định các đợt cắt giảm lãi suất trong tương lai. Hiện tại, các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ dự kiến công bố ngày 6/12 và dữ liệu lạm phát công bố vào tuần tới để tìm kiếm manh mối về xu hướng chính sách của ngân hàng trung ương nước này.
* Mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nền kinh tế Mỹ hiện mạnh hơn so với thời điểm Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Điều này đồng nghĩa tiến trình giảm lãi suất của Fed có thể chậm lại.
Theo ông Powell, thông tin tích cực chính là việc Fed có thể cẩn trọng hơn trong việc định ra lãi suất trung tính - mức lãi suất không thúc đẩy hay kìm hãm tăng trưởng. Tuy nhiên, ông Powell không đề cập trực tiếp đến đường hướng chính sách của Fed tại phiên họp từ ngày 17 đến 18/12 tới.
Tin liên quan |
‘Dứt tình’ khí đốt Nga, LNG Mỹ giá cao ngất, châu Âu dễ tổn thương đến mức nào? |
Kinh tế Trung Quốc
* Theo công ty nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc Beijing Antaike Information Development, nhiều nhà nhập khẩu kim loại của nước này đã dừng mua phế liệu đồng từ Mỹ do lo ngại các mức thuế quan mới khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Hoạt động mua bán phế liệu đồng đã bị tạm ngừng từ giữa tháng 11/2024, vì các lô hàng này dự kiến sẽ cập bến vào thời điểm ông Trump nhậm chức ngày 20/1. Báo cáo từ Antaike, dựa trên khảo sát các nhà giao dịch, cho biết tình trạng này xuất phát từ lo ngại về lời đe dọa áp thuế 60% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của ông Trump, và điều này có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh.
* Số liệu mới nhất của Cục Sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc cho thấy, đến cuối tháng 10/2024, số lượng bằng sáng chế phát minh hiệu quả của Trung Quốc lên đến 4,66 triệu phát minh, trong đó, sáng chế của doanh nghiệp là 3,417 triệu, chiếm 73,3% tổng số bằng sáng chế phát minh hiệu quả.
Trong 3 quý đầu năm, số hồ sơ chuyển nhượng bằng sáng chế của các trường đại học và cơ quan nghiên cứu khoa học trong cả nước tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng mức đăng ký tài chính bằng sáng chế và thương hiệu đạt 792,23 tỷ nhân dân tệ (108 tỷ USD), tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng chi phí xuất nhập khẩu sở hữu trí tuệ đạt 307,2 tỷ Nhân dân tệ (42,2 tỷ USD), tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế châu Âu
* Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina ngày 4/12 cho biết nước này sẽ xem xét khả năng tăng lãi suất trước cuối năm nay, trong bối cảnh đang vật lộn với tình trạng lạm phát cao và đồng Ruble yếu.
Nga đã đưa lãi suất lên 21%, mức cao nhất trong 20 năm, nhằm kiềm chế hậu quả kinh tế từ cuộc xung đột với Ukraine và hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bà Nabiullina nhấn mạnh rằng việc hạ nhiệt lạm phát là cần thiết, và hiện tại lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Các nhà phân tích dự đoán Ngân hàng trung ương Nga sẽ tăng lãi suất lên 22% hoặc 23% tại cuộc họp ngày 20/12 tới.
* Ngày 3/12, Trung tâm Chính sách thương mại toàn diện (CITP) tại Anh công bố báo cáo cho thấy, trong ba năm gần đây, giá trị xuất khẩu thực phẩm và nông sản của nước này sang Liên minh châu Âu (EU) đã giảm trung bình hơn 16% mỗi năm. Điều này đồng nghĩa với việc sau khi rời khỏi EU (Brexit), xuất khẩu trong các lĩnh vực này của Anh đang chịu thiệt hại mỗi năm hơn 2,8 tỷ bảng (hơn 3,54 tỷ USD).
* Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngày 4/12 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Đức và Pháp, cho rằng khủng hoảng chính trị và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của 2 nền kinh tế hàng đầu EU này. OECD cảnh báo rằng căng thẳng thương mại gia tăng có thể làm gián đoạn nền kinh tế thế giới.
Cụ thể, OECD kỳ vọng nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 1,1%. Trong khi đó, Pháp cũng bị cắt giảm 0,3% trong dự báo tăng trưởng, từ 1,2% xuống còn 0,9%.
* Ngày 2/12, Nga nói rằng bất kỳ sức ép nào của Mỹ nhằm buộc các quốc gia sử dụng đồng USD sẽ phản tác dụng sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump ngụ ý sẽ đánh thuế các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) nếu nhóm này tạo ra đồng tiền riêng của mình.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, ngày càng nhiều nước chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong các hoạt động thương mại và kinh tế đối ngoại.
Trước đó, ngày 30/11, ông Trump đã yêu cầu các nước thành viên BRICS cam kết không tạo ra một loại tiền tệ mới hoặc hỗ trợ một loại tiền tệ khác thay thế đồng USD, nếu không Mỹ sẽ áp thuế 100% với những nước có động thái như vậy.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy, lợi nhuận trước thuế của các công ty nước này trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2024 đã giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước, giảm lần đầu tiên trong 7 quý do bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh khốc liệt ở các thị trường nước ngoài và sự vững mạnh của đồng Yen đã làm “xói mòn” thu nhập ở nước ngoài.
Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, với lĩnh vực thiết bị vận tải giảm 16,8%, lĩnh vực dầu mỏ và than đá thua lỗ, lợi nhuận trước thuế của hơn 20.000 công ty được khảo sát đạt 23.010 tỷ yen (153 tỷ USD) trong quý III/2024.
* Theo số liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc công bố hôm 2/12, trong tháng 11/2024, giá tiêu dùng của nước này đã tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ ba liên tiếp giá tiêu dùng tăng thấp hơn mức mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK).
Cụ thể, giá tiêu dùng tháng 11 tiếp tục tăng từ mức tăng 1,3% hồi tháng 10 và gần chạm mức tăng 1,6% của tháng 9. Tốc độ lạm phát tiêu dùng của Hàn Quốc tăng chậm hơn dự kiến và vẫn thấp hơn mục tiêu của BoK đưa ra, cho thấy giá cả cơ bản ổn định.
* Ngày 4/12, Bộ Tài chính Hàn Quốc khẳng định sẵn sàng bơm thanh khoản "không giới hạn" vào thị trường tài chính nếu cần thiết, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol dỡ bỏ lệnh thiết quân luật. Động thái khiến đồng won giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Thông báo được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok và Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc Rhee Chang-yong tổ chức các cuộc họp khẩn cấp trong đêm.
Chính phủ khẳng định tất cả các thị trường tài chính, thị trường ngoại hối cũng như thị trường chứng khoán sẽ hoạt động bình thường.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Theo số liệu do Viện Địa lý và Thống kê quốc gia Brazil công bố ngày 29/11, Brazil đã đón nhận thông tin tích cực khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Trong giai đoạn từ tháng 8-10/2024, tỷ lệ thất nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này đã giảm xuống còn 6,2%. Đây là mức thấp nhất kể từ quý I/2012.
Sự phục hồi của thị trường lao động Brazil chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng việc làm trong các ngành công nghiệp và xây dựng. Số người có việc làm đã đạt mức kỷ lục mới, lên tới 103,6 triệu người. So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm 1,4 điểm phần trăm.
* Nền kinh tế Nam Phi bất ngờ giảm 0,3% trong quý III/2024, trái ngược với dự đoán tăng trưởng. Mặc dù nguồn cung điện ổn định, sản lượng nông nghiệp giảm mạnh là nguyên nhân chính, bên cạnh sự sụt giảm của giao thông vận tải, thương mại và dịch vụ chính phủ. Xuất khẩu cũng giảm 3,7%, mức giảm mạnh nhất trong ba năm.
* Indonesia đang đàm phán với Mỹ và Nga về việc mua công nghệ để phát triển các nhà máy điện hạt nhân.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia, Vivi Yulaswati, cho biết nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang xem xét vận hành các nhà máy điện hạt nhân sớm nhất là vào năm 2036 để cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nước này mở cửa cho cả lò phản ứng mô-đun nhỏ và công nghệ hạt nhân thông thường. Tuy nhiên, đây vẫn là một chặng đường rất dài.
* Theo chương trình nghị sự năm Chủ tịch ASEAN 2025, Malaysia đang trên đà nâng công suất năng lượng tái tạo lên 31% trong tổng công suất năng lượng quốc gia vào năm 2025 nhằm đạt mục tiêu trở thành nhân tố chủ chốt trong quá trình chuyển đổi xanh ở khu vực.
Với chủ đề Tính bao trùm và bền vững trong năm ASEAN 2025, Malaysia cam kết tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên nhằm thúc đẩy tiến bộ công nghệ và sự thịnh vượng chung ở khu vực. Một khía cạnh quan trọng của chủ đề này là vai trò của công nghệ trong việc định hình không gian đô thị, đặc biệt là sự phát triển của các thành phố thông minh.
| ‘Dứt tình’ khí đốt Nga, LNG Mỹ giá cao ngất, châu Âu dễ tổn thương đến mức nào? Bất chấp mọi diễn biến trong 3 năm qua, kể cả xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt Moscow, châu Âu vẫn là ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (8-14/11): Nga-Iran bắt tay đối phó trừng phạt, Mỹ gây khó châu Âu, Trung Quốc lần đầu phát hành nợ bằng USD Nga-Iran chính thức kết nối mạng lưới liên ngân hàng, Mỹ sẽ gây bất lợi cho châu Âu, Trung Quốc lần đầu phát hành nợ ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật: Nga vững ngôi đầu nhà cung cấp nông sản, lý do người Mỹ lạc quan hơn, bất động sản Trung Quốc sắp chạm đáy Nga giữ vị trí nhà cung cấp nông sản hàng đầu ra toàn cầu, niềm tin về tăng trưởng của người dân Mỹ trở nên ... |
| Giá tiêu hôm nay 4/12/2024: Hồ tiêu xuất khẩu Việt Nam đạt mốc kỷ lục mới, bắt đầu chu kỳ tăng giá Giá tiêu hôm nay 4/12/2024 tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 144.000 - 147.000 ... |
| Giá tiêu hôm nay 5/12/2024: Thị trường diễn biến bất ngờ, vụ thu hoạch chậm hơn thường lệ, gây áp lực lên nguồn cung Giá tiêu hôm nay 5/12/2024 tại thị trường trong nước bất ngờ giảm mạnh ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 140.000 ... |