Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd trước đó đã lên tiếng bác lại dư luận cho rằng chính phủ Anh đang cố gắng giành lợi thế chính trị từ việc đẩy tình trạng báo động tại Anh lên mức cao nhất và triển khai một lượng lớn binh lính trên các đường phố.
Bà Rudd cho biết việc Chính phủ đặt đất nước vào tình trạng báo động cao nhất là căn cứ theo tư vấn của Trung tâm Phân tích Khủng bố độc lập của Anh.
Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: WENN) |
Thủ tướng Anh Theresa May sẽ khởi động lại chiến dịch tranh cử của mình bằng chuyến công du tới Bỉ để dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sau đó tới Italy để dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).
Tuy nhiên, bà May sẽ cắt ngắn lịch trình và dự kiến trở lại Anh trong chiều 26/5 với lý do “nguy cơ đe dọa tấn công khủng bố tại Anh đang ở mức cao nhất".
Trong khi đó, Công đảng cũng rất quan tâm đến việc mở lại chiến dịch tranh cử càng sớm càng tốt.
Trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại Manchester, khoảng cách dẫn trước của đảng Bảo thủ so với Công đảng đang được thu hẹp lại do cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ vấp phải những chỉ trích từ các cử tri đối với chính sách xã hội của đảng này.
Thời gian chạy đua nước rút chỉ còn chưa đầy 2 tuần để Công đảng nỗ lực xóa khoảng cách dẫn trước của đảng Bảo thủ hiện nay.
Ngày 25/5, đảng Ukip cũng sẽ công bố cương lĩnh hành động trước cử tri Anh với nội dung trọng tâm liên quan đến vấn đề Hồi giáo cực đoan.
Theo nhà phân tích Anthony Wells làm việc tại YouGov, thông thường các cử tri hay bỏ phiếu dựa trên vấn đề mà họ cảm thấy là quan trọng nhất đối với đất nước tại thời điểm đó.
Nhà phân tích này bày tỏ quan ngại nếu các cử tri cho rằng vấn đề to lớn mà đất nước đang phải đương đầu hiện nay là khủng bố và an ninh, chứ không phải là vấn đề y tế và chăm sóc xã hội.
Tuy nhiên, ông Wells cũng cho biết các cuộc thăm dò ý kiến cử tri vài tháng trở lại đây cho thấy vấn đề khủng bố không phải là vấn đề quan trọng nhất đối với nhiều cử tri. Hiện có 4 vấn đề được các cử tri quan tâm nhất là y tế, nhập cư, kinh tế và Brexit.