TIN LIÊN QUAN | |
EU chia rẽ vì vấn đề ngân sách hậu Brexit | |
Vấn đề Brexit: EU cảnh báo đã đến lúc Anh phải lựa chọn |
Tờ Economist cho rằng, 2018 sẽ là một năm được chia thành hai nửa rõ rệt đối với chính trường "Xứ sở sương mù". 6 tháng đầu là giai đoạn "lập lờ", cầm chừng với việc tiến trình Brexit vẫn tiếp tục ì ạch tiến về phía trước trong những luồng dư luận trái chiều. Nửa sau của năm 2018 mới hứa hẹn kịch tính sẽ được đẩy lên cao trào - với việc Quốc hội Anh bỏ phiếu bác bỏ dự thảo thỏa thuận của Thủ tướng nước này - bà Theresa May với EU.
Không có thay đổi đáng kể
Giới quan sát nhận định, Thượng viện Anh sẽ đóng một vai trò nổi bật hơn so với chính cơ quan này từ trước Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất đến nay. Các thượng nghị sĩ có thẩm quyền do hiến pháp quy định đối với việc giám sát dự luật rút khỏi EU - vốn đang còn trong giai đoạn được thảo luận và chờ thông qua tại Hạ viện.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images) |
Nhưng quá trình giám sát này có thể bùng lên thành một cuộc khủng hoảng chính trị nếu biết rằng đại đa số các Thượng nghị sĩ Anh phản đối mạnh mẽ Brexit. Tất cả những điều này dẫn đến một nghịch lý là Thượng viện (không qua bầu cử) lại có những cuộc tranh luận sâu sắc hơn về biến động chính trị lớn nhất của nước Anh từ hơn nửa thế kỷ qua so với Hạ viện được cử tri bầu ra.
Thượng viện bao gồm nhiều nhân vật sắc sảo, dày dạn kinh nghiệm thuộc cả hai đảng: tiêu biểu như Thượng nghị sĩ John Kerr hiểu rõ hơn bất kỳ ai về Điều 50 Hiệp ước Lisbon vì ông là tác giả chính của điều khoản này. Các thượng nghị sĩ cũng được tự do phát biểu hơn các hạ nghị sĩ vì vị trí của họ được bảo đảm cả đời.
Nhiều khả năng các thượng nghị sĩ sẽ đẩy trả dự luật rút khỏi EU về lại Hạ viện không chỉ một mà là nhiều lần. Họ thậm chí có thể đánh bại Chính phủ trong một số vấn đề về nội dung chi tiết. Tuy nhiên, khả năng cao là sau những màn “tranh cãi nảy lửa và tuyên bố hùng hồn”, các thượng nghị sĩ cũng sẽ tránh đẩy tình hình chuyển thành một cuộc khủng hoảng hiến pháp, vì không thể nào một cơ quan lập pháp không qua dân cử như Thượng viện có thể giành thắng lợi trước một cơ quan lập pháp dân cử như Hạ viện, dù có được điều hành tốt đến đâu đi nữa.
Trong khi đó, những kịch tính trong nửa cuối của năm 2018, theo giới chuyên gia, sẽ không mang đến thay đổi đáng kể nào. Quốc hội Anh sẽ không phủ quyết dự luật rời khỏi EU và nước Anh sẽ không tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit. Cơ hội duy nhất để đảo ngược Brexit là người dân Anh đổi ý, mà điều này thì chưa có dấu hiệu sẽ xảy ra, nhất là chừng nào đảng Bảo thủ còn nắm quyền.
Một cuộc điều tra mới của Đại học Queen Mary tại London và tổ chức YouGove thực hiện cho thấy, chỉ có 14% đảng viên đảng Bảo thủ muốn có cuộc trưng cầu dân ý thứ hai và chỉ 25% ủng hộ việc duy trì tiếp cận thị trường chung của EU sau Brexit.
Kế hoạch của Anh là ảo tưởng?
Các cuộc tranh luận Brexit khiến các chính trị gia Anh vật lộn với câu hỏi làm sao để có thể được tiếp cận mức tối đa vào thị trường đơn lẻ EU mà không phải chịu tuân theo luật của EU hay không phải đóng góp cho ngân sách của EU nữa. Thủ tướng May đang hứa hẹn sẽ thực hiện mong muốn này thông qua chính sách mà các trợ lý của bà gọi là "quản lý sự khác biệt".
Theo đó, một số ngành công nghiệp của Anh như hàng không, dược... sẽ vẫn tuân theo những quy định của EU và một số lĩnh vực khác sẽ dần dần có những quy định của riêng mình, trong khi đó vẫn cam kết sẽ duy trì những chất lượng cao tương đồng với tiêu chí của EU. Cách tiếp cận này đã thành công trong mục tiêu ngắn hạn là đưa Nội các Anh gắn kết lại với nhau, xóa bỏ được những bất đồng trước đây trong kế hoạch Brexit của Anh.
Thủ tướng Anh Theresa May và chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu, ngày 20/10, tại Brussel, Bỉ. (Nguồn: Reuters) |
Tuy nhiên, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho rằng, quan hệ Anh - EU không phải theo kiểu "ăn chọn món" và EU không chấp nhận việc Anh liên kết với EU những điều họ thấy phù hợp và không theo EU nếu họ không muốn. Ông cho rằng, Anh cần thẳng thắn và công bằng với EU. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh "vị trí của Anh tại cuộc thảo luận hoàn toàn là ảo tưởng".
Theo lời một quan chức cấp cao EU, bà May vẫn muốn một thỏa thuận được dành riêng cho Anh, điều này hoàn toàn không phù hợp với các cấu trúc của EU. Anh phải lựa chọn một trong hai mô hình, "hoặc là một hiệp định tự do thương mại hoặc là thị trường đơn lẻ nội khối", quan chức này nhận định.
Thủ tướng May sẽ trình bày chi tiết về kế hoạch Brexit của bà vào ngày 2/3 tới, theo đó chủ yếu bà vẫn dựa vào chiến lược được gọi là "3 giỏ" mà bà lần đầu tiên trình bày tại Florence hồi tháng 9/2017.
Trong giỏ đầu tiên, bà May muốn một số lĩnh vực của nền kinh tế sẽ vẫn gắn kết với EU như những chuỗi cung ứng phức hợp: các nhà sản xuất xe hơi hay các ngành công nghiệp như hóa chất và y tế. Tại đây, Anh sẽ chấp nhận tuân theo các quy định của EU, của các cơ quan EU và Tòa án Tối cao EU.
Nhóm giỏ thứ 2 sẽ gồm các hàng hóa và dịch vụ khác, trong đó bao gồm dữ liệu và các dịch vụ tài chính. Anh sẽ đồng ý với các mục tiêu quy định chung nhưng cũng sẽ linh hoạt đưa ra những quy định của riêng mình. Một hệ thống thừa nhận các quy định của nhau và cơ chế để giải quyết các tranh cãi được tạo ra trên cở sở đảm bảo "sân chơi" bình đẳng. Anh sẽ nhấn mạnh vào "đối tác đặc biệt" bằng cách đưa ra hứa hẹn sẽ tuân thủ các tiêu chí cao của EU trên các lĩnh vực như bảo vệ lao động, các quy định về môi trường, luật người tiêu dùng, viện trợ nhà nước chặt chẽ và khuôn khổ hoạt động cạnh tranh.
Giỏ thứ 3 sẽ gồm các lĩnh vực hầu như không dính dáng gì đến luật pháp châu Âu, như lĩnh vực công nghệ gồm robotics hay xe ô tô không người lái.
Chiến lược tiếp cận phân chia thành 3 giỏ của Anh được EU cho rằng không thể thực thi được vì không phù hợp với các cấu trúc pháp lý của thị trường đơn lẻ EU, song các nhà ngoại giao Anh và EU hiện nay đều nhất trí hiện chưa phải lúc để tranh cãi.
Diễn đàn Davos 2018: Anh kêu gọi Brexit "mềm" để bảo vệ nền kinh tế Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond trong bài phát biểu với các lãnh đạo doanh nghiệp Anh bên lề Diễn đàn Kinh tế Davos ngày ... |
Năm 2018, liệu "con tàu Brexit" có trật bánh? Năm 2017 đã chứng kiến các cuộc đàm phán vô cùng khó khăn của kế hoạch nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), ... |
Brexit: CBI muốn duy trì tư cách thành viên Liên minh thuế quan EU Tổ chức các chủ doanh nghiệp Anh (CBI) kêu gọi duy trì tư cách thành viên Liên minh thuế quan sau khi quốc gia này ... |