Hiện Anh đang thúc đẩy quá trình gia nhập CPTPP với các nước thành viên - Ảnh: Ngoại trưởng Anh James Cleverly (trái) bắt tay với Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 28/9 trong chuyến công du châu Á đầu tiên. |
Ngày 28/9, Văn phòng Ngoại trưởng Anh ra thông báo cho biết Ngoại trưởng James Cleverly dự kiến phát biểu tại Singapore ngày 29/9 về cam kết của London trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên các lĩnh vực kinh tế và an ninh quốc phòng.
Trong chuyến công du châu Á, bao gồm các chặng dừng chân tại Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Cleverly sẽ phát biểu trước các cử tọa là lãnh đạo doanh nghiệp, giới tài chính và các học giả. Thông qua các phát biểu, Ngoại trưởng James Cleverly muốn truyền tải thông điệp rằng, mục tiêu của nước Anh là đạt được “sự hiện diện rộng rãi nhất, hội nhập sâu nhất tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2030”.
Ngoài ra, London khẳng định sẽ nỗ lực trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bên cạnh đó, nội dung của các phát biểu cũng đề cập đến cách tiếp cận của Anh với khu vực. Cụ thể, Ngoại trưởng Cleverly cho rằng an ninh và thịnh vượng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không tách rời khỏi châu Âu và Anh hoan nghênh quyết định của Singapore, Nhật Bản áp đặt trừng phạt với Nga trong bối cảnh xung đột tiếp tục diễn ra tại Ukraine.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Anh dự kiến gửi lời cảnh báo tới Trung Quốc rằng vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng khi nước này “tách rời khỏi các quy định và chuẩn mực toàn cầu để đứng cùng hàng ngũ với những nước như Nga”.
Cùng ngày, nhân sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì Hội nghị thượng đỉnh với các quốc đảo Thái Bình Dương tại Washington trong 2 ngày 28-29/9, Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell đã có bình luận thể hiện cách nhìn của Mỹ đối với khu vực quan trọng này.
Theo ông, mặc dù Washington vấp phải một số thách thức ở Trung Đông và các vấn đề cấp bách tại châu Âu, song Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ trở thành khu vực quan trọng nhất, lâu dài nhất với những thách thức và cơ hội chiến lược. Đây là điều không thể phủ nhận đối với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.