Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi (phải) và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss (trái) trao đổi văn kiện sau khi ký thỏa thuận thương mại tự do song phương hậu Brexit, tại Tokyo ngày 23/10. (Nguồn: AFP) |
Trong thông cáo báo chí chung phát hành sau lễ ký, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss nhấn mạnh, Hiệp định này mang lại cho các doanh nghiệp Anh cửa ngõ vào châu Á-Thái Bình Dương và mở đường cho việc Anh gia nhập hiệp định thương mại tự do Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định, Nhật Bản hoan nghênh việc Vương quốc Anh quan tâm tới việc gia nhập CPTPP và sẽ tiếp tục hỗ trợ cần thiết cho nước này.
Anh đã phải đàm phán với Nhật Bản về thỏa thuận này vì Hiệp định Thương mại Tự do Nhật Bản-EU (JEFTA) hiện nay sẽ không có hiệu lực đối với Anh sau khi giai đoạn chuyển tiếp của Brexit kết thúc vào cuối tháng 12/2020.
Được coi là bản sao của JEFTA, Hiệp định thương mại tự do Anh-Nhật Bản sẽ có hiệu lực sau khi hai bên hoàn thành các thủ tục phê chuẩn ở trong nước.
Sau khi thỏa thuận trên có hiệu lực, Anh sẽ ngay lập tức bỏ thuế nhập khẩu đối với toa tàu điện và phụ tùng ô tô của Nhật Bản, đồng thời giảm dần thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô của Nhật Bản về 0% vào năm 2026, giống như JEFTA.
Về phần mình, Nhật Bản sẽ giảm thuế đối với nông sản nhập khẩu từ Anh xuống bằng mức áp dụng với EU theo JEFTA. Tuy nhiên, liên quan tới thương mại điện tử và dịch vụ tài chính, thỏa thuận này cấm các chính phủ yêu cầu doanh nghiệp tiết lộ các thuật toán được sử dụng trong công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu mã hóa.
Trong khi các công ty Nhật Bản hoan nghênh thỏa thuận này, những công ty có trụ sở tại Anh và hoạt động ở châu Âu vẫn cảnh giác về việc liệu London có đạt được thỏa thuận thương mại tự do với khối này vào cuối giai đoạn chuyển tiếp hay không. Nếu không có một thỏa thuận như vậy, hoạt động kinh doanh ở châu Âu của các công ty Nhật Bản có thể bị gián đoạn.
Hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản là thỏa thuận thương mại đầu tiên mà Anh ký kết với một nền kinh tế lớn sau khi nước này rời EU vào tháng 1/2020 trong bối cảnh London vẫn chưa hoàn thành các cuộc đàm phán thương mại với EU, Mỹ, Australia và New Zealand.
| TGVN. Nỗ lực tự chủ muộn màng của Trung Quốc, nhiều thành viên EU muốn hạn chế quyền lực của những 'người khổng lồ' công ... |
| Triển vọng kinh tế toàn cầu thời đại dịch: Tươi sáng hơn trong những tháng tới? TGVN. Diễn biến của dịch Covid-19 vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ tới triển vọng kinh tế toàn cầu, cũng như bất kỳ ... |
| Anh kêu gọi EU nỗ lực trong đàm phán thương mại hậu Brexit TGVN. Sau khi kết thúc vòng đàm phán Anh-EU lần thứ 9 ngày 2/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi EU sớm đạt được ... |