Bản đồ Gibraltar trên trang commons.wikimedia.org. |
Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Anh, trước đây từng là thuộc địa của Tây Ban Nha (TBN). Sau thất bại trong Cuộc chiến Kế vị, TBN đã trao quyền kiểm soát vĩnh viễn Gibraltar cho Anh theo Hiệp ước Utrecht năm 1713. Vấn đề Gibraltar tưởng đã được phân định từ hơn ba thế kỷ trước nay lại bùng lên tranh cãi?
Kịch tính được đẩy lên
Thực tế, căng thẳng giữa hai đồng minh Khối Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) không phải bây giờ mới bắt đầu. Từ tháng 2 năm ngoái, Thủ tướng TBN Mariano Rajoy đã kêu gọi Anh chấp nhận đàm phán về vấn đề chủ quyền của Gibraltar. Song Chính phủ Anh nói rằng vấn đề này đã được giải quyết xong xuôi từ cách nay ba thế kỷ.
Sau hơn một năm yên ắng, sự việc lại bắt đầu "nổi sóng" từ cuối tháng 7 vừa qua khi nhà chức trách Gibraltar cho thả những khối bê tông xuống biển nhằm tạo rặng san hô nhân tạo, mở rộng bãi ngầm mà họ đã xây dựng từ năm 1973. Tuy nhiên, TBN phản đối với lý do chúng có thể cản trở đội tàu đánh cá của TBN và vùng biển này không thuộc lãnh hải của Gibraltar.
Kịch tính được đẩy lên cao hơn nữa sau khi một đội tàu thuyền đánh cá của TBN tiến vào khu vực đang gây ra tranh cãi và bị Hải quân Anh đẩy ra. Để trả đũa, từ cuối tháng trước, Tây Ban Nha đã tăng cường kiểm tra người và phương tiện qua lại biên giới trên bộ dài 3/4 dặm giữa nước này và Gibraltar, khiến giao thông liên tục bị tắc nghẽn hàng giờ đồng hồ, ảnh hưởng đến hàng nghìn người thường xuyên qua lại nơi đây. Ngoài ra, trả lời phỏng vấn báo ABC của TBN, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Manuel Garcia-Margallo còn cho biết, chính quyền Madrid đang lên kế hoạch áp dụng thu phí 50 euro đối với người đi qua biên giới với Gibraltar, điều mà Anh lo ngại sẽ gây khó khăn cho hoạt động du lịch tấp nập tại Gibraltar. Theo Ngoại trưởng Manuel, TBN cũng sẽ triển khai kiểm tra tài chính với người Gibraltar sở hữu tài sản ở TBN, cũng như hạn chế máy bay Gibraltar bay vào không phận TBN.
Trong một động thái nhằm xoa dịu tình hình, Thủ tướng Anh David Cameron sau đó đã điện đàm với người đồng cấp TBN Mariano Rajoy. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, ông Rajoy đã đồng ý giảm bớt các biện pháp kiểm tra ở biên giới. Tuy nhiên, tuyên bố của Chính phủ TBN lại không hề đề cập đến bất kỳ sự nhượng bộ nào như vậy, đồng thời khẳng định rằng các thủ tục mà nước này thực hiện là phù hợp. Thậm chí, TBN còn đe đưa vụ việc này lên Liên hợp quốc, trong khi Anh dọa cân nhắc khả năng khởi kiện TBN lên các tòa án châu Âu. Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, các biện pháp kiểm soát biên giới gắt gao hơn từ phía TBN mang "động cơ chính trị và hoàn toàn không hài hòa".
Vì vị trí địa chiến lược
Nếu nhìn thoáng qua, câu chuyện tưởng như bùng nổ từ việc Gibraltar cho dựng những tấm bê tông để tạo các vỉa đá ngầm nhân tạo. TBN cho rằng hành động đó làm ảnh hưởng đến ngư trường của ngư dân nước này và trả đũa bằng cách kiểm soát nghiêm ngặt xe cộ qua lại với lý do kiểm soát để Gibraltar không còn là "thiên đường trốn thuế"; rồi có kế hoạch thu phí đường bộ 50 euro đối với mỗi xe cộ qua lại khu vực biên giới với lý lẽ sử dụng khoản thuế đường này để bù đắp những thiệt hại của ngư dân...
Tuy nhiên, sự việc này có vấn đề về lợi ích kinh tế, nhất là Gibraltar có được sự tăng trưởng mạnh tới 7,8%, tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, môi trường đầu tư hấp dẫn, lại nằm sát một TBN đang khủng hoảng. Hơn nữa, ở châu Âu, một số quốc gia cũng đã thu khoản tiền lớn từ thuế đường như Pháp thu trung bình khoảng 70 euro cho 500km đường hay Thụy Sỹ thu thẳng 40 euro cho bất kỳ phương tiện nào đi qua biên giới vào lãnh thổ của họ. Việc kiểm soát thuế khóa cũng đang là tâm điểm của châu Âu nên việc TBN cho rà soát các phương tiện đi lại như một phần của chiến dịch chống trốn thuế thì cũng có thể hiểu là do khủng hoảng.
Tất nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, tranh cãi từ ba thế kỷ trước giữa Anh và TBN về chủ quyền của Gibraltar nay bùng lên là do tầm quan trọng chiến lược của vùng đất này mới nổi lên. Gibraltar nằm ở cửa ngõ của một châu Phi đang bất ổn về chính trị và nằm trên đường tới Trung Đông. Do đó, đây là một căn cứ chiến lược về hải quân, không quân và cả tình báo quan trọng đối với Anh. Căn cứ này giúp quan sát tốt vùng Địa Trung Hải, nơi một phần lớn dầu và khí đốt cung cấp cho Tây Âu được vận chuyển qua đây. Với lợi ích như vậy, nước Anh dĩ nhiên muốn nắm giữ vùng lãnh thổ này vì các lợi ích liên lạc, tình báo và kiểm soát vận tải biển qua eo biển Gibraltar.
Vì thế, dù Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố việc các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh tới thăm vùng biển này là một phần trong các hoạt động triển khai thường lệ. Nhưng trong bối cảnh tình hình châu Phi và Trung Đông đang nhạy cảm như hiện nay, thì ai cũng hiểu việc cả chục tàu chiến Anh có kế hoạch đi qua vùng biển này đã vượt qua tính "thường lệ".
Về phần mình, TBN không thể không để mắt đến tầm quan trọng chiến lược của Gibraltar và phải kiểm soát nếu không vùng đất nằm ở cực bắc có thể trở thành mối đe dọa đối với chính quốc gia này, đặc biệt là khi người dân Gibraltar không mấy thiện cảm với TBN và đã hai lần từ chối qua các cuộc trưng cầu ý dân các năm 1967 và 2002 về việc trở về dưới sự quản lý của nước này.
Gibraltar còn có một quy chế quốc tế được xác lập từ năm 1982, theo đó cho phép mọi quốc gia được đặt chân đến vùng đất này, kể cả vùng nước ngầm, mà không cần thông báo cho các quốc gia lân cận, trong đó có TBN và Morocco. Như thế, Gibraltar có thể trở thành nơi dừng chân của các loại tàu chiến, kể cả tàu ngầm hạt nhân, của Anh hay của Mỹ, đến tuần tra khu vực Địa Trung Hải. Và điều đó càng làm TBN cảm thấy bất an.
Không dễ giải quyết
Theo CS Monitor, Anh không khơi mào tranh chấp với TBN về quyền kiểm soát Gibraltar. Ngày 12/8 vừa qua, Nữ hoàng Anh cũng đã phát biểu chính thức trước Quốc hội Anh khẳng định sẽ bảo vệ quyền tự quyết của người dân ở hai vùng lãnh thổ thuộc Anh là Gibraltar (đang xảy ra tranh chấp với TBN) và quần đảo Falkland (đang tranh chấp với Argentina) trong khi người dân Gibraltar lại nhiều lần ủng hộ việc tiếp tục là lãnh thổ của Anh trong các cuộc trưng cầu dân ý. Theo đó, đề xuất chia sẻ chủ quyền giữa Anh và TBN đã bị gạt bỏ sau khi được đưa ra hồi năm 2002.
Thêm vào đó, nếu TBN có ý định đòi lại Gibraltar, nước này sẽ vấp phải sự ngăn cản từ Morocco. Hiện hai lãnh thổ Ceuta và Melilla dọc bờ biển Morocco thuộc chủ quyền của TBN. Tuy nhiên, Morocco cũng tuyên bố chủ quyền với hai lãnh thổ này. Vì thế, nếu TBN đòi chủ quyền với Gibraltar, Morocco sẽ làm điều tương tự với Ceuta và Melilla.
Vấn đề duy nhất là Hiệp ước Utrecht không nói rõ bên nào có chủ quyền với vùng nước xung quanh cảng Gibraltar. Vì vậy, Anh và TBN thỉnh thoảng vẫn xảy ra mâu thuẫn xuất phát từ xung đột về khu vực đánh bắt cá giữa các tàu của hai nước. Và mâu thuẫn song phương trở nên thường xuyên hơn kể từ khi Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo, người cam kết hủy bỏ thỏa thuận đánh bắt cá với TBN, nhậm chức vào năm 2011.
Tuy nhiên, dù quan hệ Anh - TBN căng thẳng như vậy, song ít có khả năng xảy ra xung đột bạo lực. Nước Anh tuyên bố việc cử tàu qua lại là hành động “thường lệ” trong khi phía TBN dù phản ứng có mạnh mẽ, song vẫn tuyên bố sử dụng các biện pháp “hợp pháp và hợp lý” để đáp trả. Thái độ của hai bên như thế vẫn là có chừng mực nên khả năng dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp sẽ khó xảy ra.
Nói chung, căng thẳng xung quanh Gibraltar gây ngạc nhiên cho các nước châu Âu khác vì cả Anh và TBN đều thuộc Liên hiệp Châu Âu và đều là thành viên NATO. Tuy nhiên, vì hiện trạng Gibraltar đã tồn tại từ hơn 300 năm nay, tranh chấp này sẽ không dễ giải quyết do vị trí chiến lược nhạy cảm của Gibraltar và do cả hai bên đều bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc.
Hoàng Minh