Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Anh trong những năm qua đã có những bước phát triển mới tích cực trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson. (Ảnh: TTXVN) |
Phó Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến về việc hai bên thành lập cơ chế đối thoại không chính thức nhằm trao đổi các biện pháp tạo thuận lợi hóa về thương mại, duy trì và thúc đẩy đà phát triển thương mại tốt đẹp giữa hai nước trong bối cảnh Anh sẽ tiến hành đàm phán rời Liên minh châu Âu EU.
Bộ trưởng Boris Johnson khẳng định, Anh sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam và sẽ tiếp tục ủng hộ tăng cường quan hệ, liên kết và tự do hóa thương mại giữa Việt Nam với châu Âu.
Hai Bộ trưởng Ngoại giao nhất trí hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức hiệu quả các hoạt động kỷ niệm nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh vào năm 2018, nhất là tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, du lịch... giữa hai nước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Anh tăng số lượng học bổng dành cho Việt Nam để tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên Việt Nam tiếp cận với các Quỹ Newton, Quỹ Thịnh vượng Anh, Quỹ ứng phó với các thách thức toàn cầu để thực hiện các dự án đào tạo chuyên gia luật, quản lý thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Hai Bộ trưởng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai nước trong việc tổ chức Hội nghị quốc tế cấp cao về chống buôn bán các loại động vật, thực vật hoang dã tại Hà Nội tháng 11/2016, nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này trong những năm tới.
Hai Bộ trưởng cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm; nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, bảo vệ tính thượng tôn pháp luật ở các vùng biển và đại dương, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS 1982).