Các chuyên gia nhận định hiện tượng này xảy ra do bị tác động bởi nhiều nguyên nhân thời tiết xuất phát từ các vùng lân cận.
Theo BBC, hiện tượng kỳ lạ này lần đầu được ghi nhận ở phía Tây nước Anh và xứ Wales vào ngày 16/10 trước khi lan rộng ra những khu vực khác. Chuyên gia thời tiết của đài này, ông Simon King giải thích rằng đây là do tàn dư bão của siêu bão Ophelia xuất phát từ Ireland đã kéo theo không khí và bụi từ sa mạc Sahara tới Anh.
Mặt trời đỏ ở nước Anh. (Nguồn: PA) |
“Những hạt bụi này bị cuốn lên cao và xâm nhập vào bầu khí quyển trên khắp nước Anh”, ông King nhận định.
Ông cho rằng, những hạt bụi này đã khiến ánh sáng xanh bị phân tán, chính vì thế bầu trời chỉ còn lại ánh sáng đỏ với bước sóng dài hơn.
Theo cơ quan thời tiết quốc gia Anh Met Office, lượng lớn bụi xuất hiện ở Anh xuất phát từ các vụ cháy rừng diện rộng ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Gió đã cuốn tro tàn tới Anh và gây ra hiện tượng mặt trời đỏ trên.
Tuy có cách lý giải khoa học, nhưng cư dân mạng vẫn vô cùng lo ngại vì hiện tượng tự nhiên khác thường này. Trên các mạng xã hội, họ liên tiếp chia sẻ những bức ảnh chụp lại Mặt trời. Các từ “Mặt trời đỏ”, “bầu trời đỏ” đã trở thành các từ khóa xu hướng.
Hàng loạt các giả thuyết về ngày tận thế, thảm họa của nước Anh hay mối nguy hiểm nếu bị ánh sáng đỏ chiếu vào được đưa ra và bàn tán sôi nổi trên mạng internet.