Bế tắc là điều dễ hiểu
Tháng 7/2018 đã kết thúc với những báo cáo khẳng định, Triều Tiên vẫn sản xuất các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Tháng 8 cũng chuẩn bị kết thúc với những bế tắc trong tiến trình ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/8 vừa qua đã quyết định đưa ra thông báo trái ngược với những kỳ vọng rằng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ không tới Bình Nhưỡng để tiến hành thêm một vòng đàm phán mới Mỹ - Triều như dự kiến.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai có thể là cách thức duy nhất để tránh sự sụp đổ hoàn toàn của tiến trình đàm phán song phương vốn rất mong manh giữa Washington và Bình Nhưỡng. (Nguồn: AP) |
Ông Trump đã viết trên trang twitter cá nhân: "Tôi đã đề nghị ông Mike Pompeo không đến Triều Tiên vào thời điểm này, bởi tôi cảm thấy chúng ta đã không đạt được những tiến triển như mong đợi trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ở thời điểm này, tôi muốn gửi lời thăm hỏi nồng nhiệt nhất đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và hy vọng sẽ sớm được gặp lại ông ấy".
Trong khi đó, tháng 9/2018 được coi là tháng có nhiều sự kiện trọng đại của Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và dường như sẽ có sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bên cạnh đó, ông Kim Jong-un cũng sẽ cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiến hành Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 5 tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ngay cả khi tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên gặp bế tắc thì Bình Nhưỡng vẫn có điều kiện để thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Bế tắc trong tiến trình đàm phán Mỹ - Triều hoàn toàn không gây ngạc nhiên. Quyết định bổ nhiệm muộn màng Phó chủ tịch hãng Ford Stephen Biegun làm tân Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên hồi tuần trước cũng không đủ để giải quyết ổn thỏa những bất đồng cố hữu giữa Washington và Bình Nhưỡng, liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa, cũng như cụ thể hóa những thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore hôm 12/6 vừa qua.
Nếu ông Pompeo lên máy bay đến Bình Nhưỡng trong tuần này như dự kiến, ông ấy vẫn sẽ chỉ có các cuộc đàm phán với người đồng cấp Triều Tiên Kim Yong-chol. Và nhắc lại những đề nghị đã được nói đi, nói lại nhiều lần về "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược" - một vấn đề đã không được ông Kim Jong-un và cả ông Donald Trump đề cập trong tuyên bố chung Singapore 12/6, cũng như không hề xuất hiện trong Tuyên bố chung Panmunjom ngày 27/4.
Bên cạnh đó, những đề nghị khác của phía Mỹ về việc yêu cầu Bình Nhưỡng công khai những cơ sở hạt nhân hoặc cụ thể hơn là chuyển một số đầu đạn hạt nhân sang nước thứ ba để thể hiện rõ thiện chí trong vấn đề giải giáp hạt nhân cũng chịu chung số phận. Điều này cũng làm dấy lên những hoài nghi trong chính quyền Trump về tính khả thi của những đề nghị đó.
Họp thượng đỉnh lần 2 là cần thiết
Đơn giản là những cơ sở để tiến trình đàm phán Mỹ - Triều "đơm hoa kết trái" hiện vẫn chưa xuất hiện. Tuy nhiên, Triều Tiên không cảm thấy lo lắng về điều đó. Trong nhiều tuần qua, chiến dịch tuyên truyền bằng tiếng Anh của Bình Nhưỡng được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đảm nhiệm đã tìm mọi cách để tách ông Donald Trump ra khỏi đội ngũ cố vấn. Mục tiêu của Bình Nhưỡng rất đơn giản, chỉ ông Trump mới có thể tạo ra bước đột phá tháo gỡ những bế tắc hiện nay giữa hai nước.
Trong khi đó ông Trump dường như cũng nhất trí với quan điểm này. Ngay cả khi ông đề nghị ông Pompeo hủy chuyến công du tới Triều Tiên nhưng về xã giao ông Trump vẫn bày tỏ sự tôn trọng đối với ông Kim Jong-un khi nói rằng vẫn mong muốn sớm tiến hành thêm một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai có thể là cách thức duy nhất để tránh sự sụp đổ hoàn toàn của tiến trình đàm phán song phương vốn rất mong manh giữa Washington và Bình Nhưỡng. Mặc dù nó không giúp Mỹ tiến gần hơn tới vấn đề phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng, song nó sẽ giúp khôi phục lại ảo ảnh của Washington về những tiến bộ trong tiến trình cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng.
Nếu cả ông Donald Trump và ông Kim Jong-un hài lòng với giai đoạn "trăng mật" sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore thì điều đó giờ đây cũng đang dần mờ nhạt. Dường như cả ông Trump và ông Kim đều mong muốn duy trì "tinh thần Singapore" - bầu không khí thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo. Việc Washington hủy bỏ chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo tới Bình Nhưỡng lần này là một bằng chứng nữa cho người dân Triều Tiên thấy rằng, chỉ có ông Trump mới là người quyết định mọi vấn đề liên quan đến phi hạt nhân hóa, gỡ bỏ cấm vận và có thể cả một hiệp ước hòa bình.
Có thể tất cả những điều này sẽ làm nên một tháng 9 với nhiều sự kiện quan trọng. Bên cạnh viễn cảnh về một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 5 tại Bình Nhưỡng, lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên và chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể diễn ra, quan hệ Mỹ - Triều đang ở một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình đàm phán tháo gỡ bế tắc, mà rất có thể sẽ là một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai hoặc quan hệ hai nước sẽ rơi vào khủng hoảng hoàn toàn.