TIN LIÊN QUAN | |
Pháp: Lại biểu tình "Áo vàng", tiếp tục gây sức ép lên Chính phủ | |
“Cơn lốc màu vàng” trước thềm 2019 |
Tuần thứ 7 giảm mạnh về số lượng
Đây là đợt biểu tình vào tuần thứ 7 liên tiếp của phong trào "Áo vàng" tại Pháp. Tuy số người tham gia đợt biểu tình lần này đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 12.000 người, song cảnh sát Pháp cũng đã phải sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình.
Cụ thể, đã có vài trăm người mặc chiếc áo gilê màu vàng có vạch phản quang tụ tập gần văn phòng của một số đài truyền hình nhà nước và kênh truyền hình BFM TV ở trung tâm thủ đô, hô khẩu hiệu "Tin giả" và đòi Tổng thống Emmanuel Macron từ chức. Người biểu tình cũng tràn xuống các ga tàu điện ngầm và tấn công cảnh sát, khiến cảnh sát phải đáp trả bằng hơi cay.
Số người tham gia đợt biểu tình tuần thứ 7 đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 12.000 người. (Nguồn: Reuters) |
Một số người đã bị bắt giữ. Nhiều xe ô tô đã bị phóng hỏa ở bên ngoài văn phòng báo Le Parisien. Tại thành phố Nantes, miền Tây nước Pháp, cảnh sát cũng phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình. Còn tại thành phố Marseille, miền Nam nước Pháp, cảnh sát cho biết khoảng 1.000 người biểu tình đã xuống đường đòi ông Macron từ chức. Người biểu tình dự kiến sẽ tiếp tục tuần hành tại các thành phố Lyon, Bordeaux và Toulouse…
Các cuộc biểu tình của phong trào "Áo vàng" tại Pháp bắt đầu từ ngày 17/11 nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, sau đó đã bùng lên thành một làn sóng phản đối lịch trình kinh tế của Tổng thống Macron và đòi ông Macron từ chức với cáo buộc ông không quan tâm đến tình trạng chi phí đời sống tăng cao đối với nhiều người sống ở nông thôn và thị trấn nhỏ.
Kể từ khi làn sóng biểu tình “Áo vàng” bùng phát đến nay, đã có 6 người đã thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương trong các cuộc đụng độ. Cảnh sát cũng đã bắt giữ hàng trăm người biểu tình quá khích.
“Áo vàng” sẽ tiếp tục trong năm 2019
Nhằm xoa dịu những người biểu tình, ngày 10/12, sau 3 tuần xảy ra biểu tình, Tổng thống Macron đã đưa ra một loạt biện pháp. Cụ thể, từ đầu năm 2019, chính phủ Pháp sẽ tăng mức lương tối thiểu (SMIC) thêm 100 Euro mỗi tháng; tiền làm thêm giờ cũng như những khoản tiền thưởng cuối năm cho người lao động sẽ không phải chịu bất cứ khoản thuế hoặc phí nào.
Đối với những người về hưu thu nhập dưới 2.000 Euro /tháng, khoản tăng thuế "đóng góp chung" (CSG) để chi trả cho trợ cấp an sinh xã hội và trợ cấp gia đình nghèo, trích từ lương hưu của họ, sẽ được hủy bỏ. Tổng thống Macron cũng cam kết sẽ tăng cường các biện pháp chống trốn thuế và kiểm soát tốt hơn chi tiêu công…
Tuy nhiên, những người biểu tình vẫn cho rằng, những nhượng bộ trên của Tổng thống Macron là chưa đủ và tiếp tục tiến hành các hoạt động biểu tình. Đến nay, người biểu tình “Áo vàng” vẫn đang lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình đầu Năm mới và khẳng định phong trào của họ sẽ được duy trì trong năm 2019.
Đã có gần 8.000 người thông báo sẽ tham gia biểu tình trong dịp năm mới 2019. Một số thủ lĩnh phong trào "Áo vàng" còn cho biết, sở dĩ con số người biểu tình trong đợt biểu tình cuối tuần ngày 29/12 vừa qua thấp là do vào dịp vào nghỉ lễ cuối năm.
Nhìn lại phong trào "Áo vàng"
Ngày 17/11, đợt biểu tình rầm rộ với 282.000 người tham gia vào chiến dịch phong tỏa các tuyến đường trên khắp nước Pháp. Các cuộc biểu tình diễn ra theo lời kêu gọi trên mạng xã hội của phong trào "Áo vàng" - phong trào trên lấy tên theo những chiếc áo gilet phản quang màu vàng mà tất cả các tài xế tại Pháp phải mặc khi lái xe.
Ngày 24/11, số người tham gia các cuộc biểu tình giảm dần, với 23.000 người trên toàn nước Pháp, nhưng một số phần tử cực đoan đã lợi dụng phá rối, dẫn đến bạo động ở Paris và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Cảnh sát cho biết có cả nghìn phần tử “chuyên đập phá”, đeo mặt nạ che mặt, trang bị đủ loại công cụ từ búa rìu, len lỏi vào đoàn biểu tình tấn công cảnh sát, đập phá các công trình công cộng, cướp bóc...
Ngày 1/12, khoảng 75.000 người đã xuống đường trên toàn nước Pháp. Thủ đô Paris đã hứng chịu nhiều thiệt hại trong đợt biểu tình này, khi những kẻ biểu tình quá khích chống lại lực lượng cảnh sát, đập phá cửa hàng và công sở, cướp bóc hàng hóa, đốt hàng chục xe ô tô và thùng nhựa ven đường, phá hoại Khải Hoàn Môn - biểu tượng vinh quang của nước Pháp.
Nhằm xoa dịu những người biểu tình, ngày 10/12, sau 3 tuần xảy ra biểu tình, Tổng thống Macron đã đưa ra một loạt biện pháp. (Nguồn: AP) |
Sự hỗn loạn còn diễn ra trên đại lộ Champs-Elysées, một số thành phố như Lille, Rennes, Bordeaux và Marseilles… Đến ngày 3/12, hàng chục người biểu tình "Áo vàng" tại Pháp đã chặn đường vào một kho nhiên liệu chính cùng nhiều tuyến đường cao tốc. Biểu tình cũng lan tới khoảng 100 trường học trên toàn quốc với giới học sinh phản đối quy định mới của chính phủ về nhập học đại học. Riêng cuộc biểu tình tại thành phố Nice thu hút khoảng 1.000 học sinh tham gia.
Ngày 8/12, đã có tới 136.000 người tham gia các cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp. Những người biểu tình dùng mạng xã hội gọi cuộc biểu tình trong ngày này là "hành động thứ 4", nhằm thể hiện thái độ đối với Tổng thống Emmanuel Macron và các chính sách của ông. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 1.200 người quá khích trong ngày này. Thủ đô Paris tiếp tục là khu vực hứng chịu hậu quả nặng nề từ những hành vi cướp phá của người biểu tình, với thiệt hại lớn hơn nhiều so với cuộc biểu tình vào ngày 1/12 trước đó.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết, có tới 1.220 người trong tổng số 1.723 người biểu tình bị bắt giữ đã bị tống giam trong đợt biểu tình ngày 8/12.
Ngày 15/12, đã có ít người tham gia biểu tình hơn (với 104.600 người) và ít người bị bắt giữ hơn trong đợt biểu tình vào tuần thứ 5 liên tiếp này. Tuy nhiên, không khí tại thủ đô Paris trong ngày 15/12 vẫn rất căng thẳng, một số trận ẩu đả đã xảy ra giữa cảnh sát và những người biểu tình trên khắp thành phố khiến cảnh sát Pháp phải sử dụng hơi cay để giải tán dòng người biểu tình "Áo vàng" tại đại lộ Champs-Elysees ở thủ đô Paris.
Trong những ngày sau đó, những người “Áo vàng" vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình nhằm gây áp lực buộc chính phủ phải tăng sức mua và cho người dân tham gia nhiều hơn vào quá trình lập pháp. Tuy nhiên, số lượng người biểu tình cũng đã giảm đáng kể sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đáp ứng một số yêu cầu của họ. Bộ Nội vụ ước tính số lượng tham gia các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào ngày 20-12 chỉ ở mức dưới 4.000 người, mức thấp nhất kể từ khi nổ ra phong trào vào ngày 17-11 với 282.000 người tham gia.
Ngày 22/12, Chính phủ ghi nhận có 38.600 người biểu tình trong đợt biểu tình ngày cuối tuần 22/12 này, giảm 66.000 người so với cuối tuần trước. Riêng tại thủ đô Paris, các cuộc biểu tình của phe "Áo vàng" với khoảng 2.000 người tham gia trong tuần biểu tình tuần thứ 6 liên tiếp này ban đầu diễn ra ôn hòa, tuy nhiên vài giờ sau đó, căng thẳng dâng cao và cảnh sát buộc phải sử dụng vũ lực để khống chế người biểu tình. Bạo lực nổ ra khi những người biểu tình tìm cách phong tỏa giao thông tại khu vực đại lộ Champs-Elysees, nơi có rất nhiều cửa hàng vẫn mở cửa kinh doanh trong tuần lễ bận rộn trước dịp lễ Giáng sinh. Cảnh sát thành phố cho biết đã bắt giữ 142 người biểu tình và 19 đối tượng bị giam giữ, trong đó có một lãnh đạo phe "Áo vàng" là Eric Drouet.
Ngoài thủ đô Paris, biểu tình cũng nổ ra tại một số thành phố khác của Pháp, trong đó có Bordeaux, Caen, Lille, Lyon, Marseille, Nantes, Rouen Saint-Etienne và Toulouse…
38.000 người “Áo vàng” biểu tình lần thứ sáu trên toàn nước Pháp Ba ngày trước lễ Giáng sinh, những người theo phong trào "Áo vàng" đã tiến hành cuộc biểu tình lần thứ sáu trên toàn quốc. ... |
Pháp: Nghỉ lễ Giáng sinh, số người biểu tình “Áo vàng” giảm mạnh Phong trào "Áo vàng" của Pháp đang chuẩn bị cho cuộc biểu tình lần thứ 6 trên toàn quốc vào ngày 22/12, song số lượng ... |
Quốc hội Pháp thông qua gói biện pháp cắt giảm thuế Ngày 21/12, Quốc hội Pháp đã thông qua gói biện pháp cắt giảm thuế đầu tiên do Tổng thống Emmanuel Macron công bố trong nỗ ... |