📞

Áp dụng tiêu chuẩn du lịch ASEAN, 'đánh thức' tiềm năng địa phương Việt Nam

Gia Thành 07:54 | 24/11/2023
Áp dụng Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN sẽ giúp du lịch Việt Nam đảm bảo chất lượng, an toàn và mang đến trải nghiệm tốt hơn cho du khách.
Tiêu chuẩn du lịch ASEAN đặt ra những yêu cầu về quản lý, giảm tiêu thụ năng lượng, sử dụng tài nguyên tự nhiên một cách bền vững và xử lý chất thải hiệu quả... (Nguồn: Báo Dân tộc)

Các quốc gia thành viên ASEAN đã xây dựng Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN để chuẩn hóa dịch vụ du lịch, xác định khung tiêu chí chung, từ đó, các nước trong khu vực thống nhất thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng ASEAN trở thành một điểm đến chất lượng.

Theo đó, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch cần đáp ứng 8 tiêu chuẩn gồm: khách sạn xanh, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch bền vững, địa điểm tổ chức MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của công ty cho nhân viên, đối tác), thành phố du lịch sạch, nhà vệ sinh công cộng và dịch vụ spa.

Đảm bảo chất lượng và an toàn

Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Hoàng Quốc Hòa cho hay, tiêu chuẩn du lịch ASEAN xác định khung tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu, hướng dẫn đánh giá giúp các cơ sở rà soát, chuẩn hóa chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý ngang tầm với khu vực.

Đặc biệt, các cơ sở đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn sẽ có cơ hội đăng ký tham gia giải thưởng Du lịch ASEAN - giải thưởng uy tín trong khu vực nhằm tôn vinh các đơn vị xuất sắc trong ngành du lịch, được trao tại diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) tổ chức hàng năm.

Ông Hòa chia sẻ thêm, chuyển đổi số được xác định là một mục tiêu của quốc gia và được chú trọng thúc đẩy trong tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã ban hành Công văn đề nghị cơ quan quản lý du lịch các địa phương phối hợp triển khai, kết nối liên thông các hệ thống đã có với các nền tảng số của Tổng cục Du lịch như nền tảng số đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”.

"Nền tảng số “Quản trị và kinh doanh du lịch”; hệ thống thẻ - vé điện tử; thẻ du lịch thông minh; kênh truyền thông trên các nền tảng số… Đây là hệ thống các sản phẩm cốt lõi do Tổng cục Du lịch xây dựng nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021-2025; đồng thời tạo sự kết nối đồng bộ, thống nhất và hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số du lịch trên toàn quốc", ông Hòa nhấn mạnh.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh nhận định, áp dụng tiêu chuẩn du lịch ASEAN sẽ đảm bảo chất lượng và an toàn để du khách có trải nghiệm du lịch tốt hơn.

"Đối với doanh nghiệp, khi áp dụng theo Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN trong thiết kế, xây dựng sản phẩm, dịch vụ sẽ tạo ra môi trường du lịch chất lượng và đóng góp xây dựng uy tín cho TP. Hồ Chí Minh như một điểm đến du lịch đáng tin cậy.

Tiêu chuẩn du lịch ASEAN đặt ra những yêu cầu về quản lý, giảm tiêu thụ năng lượng, sử dụng tài nguyên tự nhiên một cách bền vững và xử lý chất thải hiệu quả... Tuân thủ tiêu chuẩn này, Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh có thể duy trì sự cân bằng hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu", bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nhấn mạnh.

Du lịch Việt Nam hướng đến mục tiêu năm 2030 thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. (Nguồn: Indochina Tours Asia)

Hướng đến phát triển bền vững

Về phía địa phương, bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình chia sẻ, du lịch Hòa Bình đang được "đánh thức", chú trọng theo hướng hiệu quả và bền vững nhờ phát huy những tiềm năng về thiên nhiên và văn hóa. Du lịch cộng đồng đã tạo sinh kế bền vững cho người dân, trở thành thế mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Hòa Bình.

Bà Niềm cho hay, ngành du lịch tỉnh Hòa Bình xác định nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ giữ vai trò tiên quyết và chính là một giải pháp căn cơ góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch.

"Hàng năm, những đơn vị được nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN sẽ có cơ hội để quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu địa phương; đồng thời, khẳng định chất lượng chuyên nghiệp và mang đến lợi ích cho cộng đồng. Trên tinh thần đó, những năm qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hòa Bình đã vận động và hướng dẫn các đơn vị, điểm đến trên địa bàn lập và gửi hồ sơ đăng ký một số hạng mục giải thưởng.

Theo đó, ngành du lịch Hòa Bình đã đạt được những hạng mục uy tín trong giải thưởng Du lịch ASEAN như: giải thưởng Homestay ASEAN (năm 2017: Homestay Bản Lác); giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN (năm 2019: Khu du lịch cộng đồng xóm Đá Bia, Đà Bắc), Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình nói.

Còn theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, du lịch Việt Nam hướng đến mục tiêu năm 2030 thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Từ đó, du lịch Việt Nam sẽ phát triển theo hướng bền vững và bao trùm, có trách nhiệm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu...

Bà Nguyễn Thanh Bình khẳng định: "Thời gian tới, ngành Du lịch Việt Nam sẽ đẩy mạnh triển khai tiêu chuẩn du lịch ASEAN, gồm khách sạn xanh, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch bền vững, địa điểm tổ chức MICE, thành phố du lịch sạch, nhà vệ sinh công cộng, dịch vụ spa.

Tất cả tiêu chuẩn du lịch ASEAN đều hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực lưu trú.

Ngoài ra, ngành du lịch Việt Nam đẩy mạnh tham gia giải thưởng du lịch ASEAN, là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh các địa phương, đơn vị có sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, góp phần phát triển bền vững các điểm đến du lịch của khu vực ASEAN".