📞

Áp lực đối với giá dầu có thể sẽ dịu xuống trong năm 2019

10:49 | 01/01/2019
Trong phiên 31/12, giá dầu thế giới tăng khi triển vọng thương mại trên toàn cầu có dấu hiệu tích cực.

Chốt phiên giao dịch ngày 31/12 tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 2/2019 tăng nhẹ 0,08 USD lên 45,41 USD/thùng. Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 3/2019 tăng 0,59 USD lên khép phiên ở mức 53,80 USD/thùng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã nói đến sự “tiến triển lớn” sau cuộc điện đàm về vấn đề thương mại. Ông Trump khẳng định các nỗ lực đối thoại Trung - Mỹ đang có nhiều tiến triển tích cực và hy vọng có thể đạt được những kết quả có lợi cho nhân dân hai nước, cũng như toàn thế giới.

Ảnh minh họa. (Rigzone)

Theo một cuộc thăm dò ý kiến của 32 nhà kinh tế và chuyên gia phân tích vừa do hãng tin Reuters thực hiện, giá dầu Brent sẽ vào khoảng 69,13 USD/thùng vào năm 2019, thấp hơn 5 USD/thùng so với dự đoán của các nhà phân tích đưa hồi tháng trước. Con số dự đoán trên cũng thấp hơn so với mức giá trung bình 71,76 USD/thùng của năm 2018.

Trong năm 2018, thị trường năng lượng đã chứng kiến giá dầu đi lên nhờ nhu cầu tăng lên cùng với những lo ngại về nguồn cung, nhất là khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới kể từ tháng 11/2018 lên Iran - một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn của thế giới.

Giữa bối cảnh đó, giá dầu Brent - được coi là thước đo chuẩn cho giá dầu trên toàn cầu - đã tăng khoảng 30% trong các tháng 1-10/2018 và tăng lên mức cao 86,74 USD/thùng. Đây là mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 và nhiều nhà phân tích tại thời điểm đó dự đoán giá dầu sẽ chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào cuối năm 2018.

Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, giá dầu Brent đã quay đầu giảm gần 40% từ mức cao nhất của năm 2018, xuống còn khoảng 53,25 USD/thùng. Sự sụt giảm của giá dầu xảy ra sau khi Washington bất ngờ miễn trừ lệnh cấm cho một số khách hàng lớn nhất của Iran, trong bối cảnh giới thị trường ngày càng lo ngại về khả năng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, giữa lúc các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động xấu đến triển vọng thương mại và nhu cầu đối với dầu mỏ.

Các nhà phân tích nhận định áp lực đi xuống đối với giá dầu có thể sẽ dịu dần từ tháng 1/2019, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các nhà sản xuất ngoài OPEC, trong đó có Nga, bắt đầu cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.

Tuy vậy, thị trường vẫn có thể phải chịu một số áp lực từ việc sản lượng dầu thô đang ngày càng gia tăng tại Mỹ, quốc gia vừa trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới năm 2018 với sản lượng 11,6 triệu thùng/ngày.

(theo Reuters, Tân Hoa xã)