📞

Áp lực như thi đại học

09:56 | 13/07/2014
Không chỉ ở Việt Nam, bầu không khí trong mùa tuyển sinh đại học dường như nóng hơn và áp lực thi tuyển cũng đang đè nặng lên các thí sinh tại rất nhiều nước.
CSAT (College Scholastic Ability Test) là kỳ thi tuyển quan trọng trong hệ thống giáo dục Hàn Quốc.

Cuộc cạnh tranh năng lực

Tại Mỹ, ACT (American College Testing) và SAT (Scholastic Aptitude Test) là hai bài thi đặc biệt quan trọng để đánh giá năng lực thí sinh ứng tuyển vào các trường đại học. Nếu như bài kiểm tra SAT đánh giá năng lực học tập, thì ACT lại chỉ ra được khả năng phát triển học vấn của một học sinh.

Hầu hết trường đại học ở Mỹ đều chấp nhận kết quả của hai hình thức thi trên, tuy nhiên đa số học sinh lựa chọn thi ACT vì được tổ chức sáu lần trong năm và học sinh hoàn toàn có thể thi lại để cải thiện điểm số. Kỳ thi SAT thường được tổ chức vào năm giữa hoặc năm cuối của bậc trung học. Không chỉ kiểm tra khả năng tiếp nhận kiến thức của thí sinh, đề thi được thiết kế rất chuyên nghiệp để trở thành thước đo đáng tin cậy: bằng cách tính điểm âm và loại trừ khả năng đoán mò của thí sinh.

Thực tế, mỗi trường đại học ở Mỹ có những chiến lược và tiêu chuẩn xét chọn khác nhau. Ngoài các điểm thi, nhiều trường đại học Mỹ còn yêu cầu thí sinh viết một, hai bài tự luận về một chủ đề cho trước và có thư giới thiệu của thầy giáo hoặc thầy hiệu trưởng. Sau khi xét vòng sơ tuyển, nhiều trường danh tiếng còn phỏng vấn trực tiếp từng thí sinh. Mục đích của bài tự luận, thư giới thiệu và phỏng vấn là giúp nhà trường hình dung được một cách đầy đủ nhất về những phẩm chất và năng lực thí sinh, qua đó đánh giá thí sinh đó có phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương pháp đào tạo của trường hay không.

“Nơi thời gian ngừng đọng”

Đây là cách ví von của giới báo chí Trung Quốc khi viết về kỳ thi cao khảo được tổ chức vào tháng 6 hàng năm tại đây. Cũng như Việt Nam, kỳ thi này dành cho những ai đã tốt nghiệp trung học phổ thông, không giới hạn tuổi tác nhưng lại được coi là kỳ thi khắc nghiệt nhất để quyết định số phận của các học sinh.

Điển hình cho sự khắc nghiệt là Trường Trung học Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc - nơi có những học sinh thường đạt điểm cao nhất. Tại ngôi trường được mệnh danh là “nhà máy luyện đại học” này, các học sinh đều được sắp xếp thời khóa biểu chặt chẽ đến từng phút từ 5 giờ sáng đến 10 giờ 10 phút tối mỗi ngày. Mỗi tháng, học sinh chỉ có được duy nhất một ngày nghỉ.

Tháng 6 vừa qua, khoảng 9,4 triệu thí sinh Trung Quốc đã trải qua kỳ thi cao khảo này. Đề thi có thể khác nhau tùy theo địa phương, vùng miền, nhưng đều gồm các môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Một số chuyên ngành có thêm môn tự chọn như Khoa học xã hội, Chính trị, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Tính chất khắc nghiệt của kỳ thi năm nay không đổi, thể hiện ở độ khó của đề thi cũng như sự gắt gao, cẩn thận trong công tác bảo vệ, chống gian lận. Đề thi ở nhiều nơi được đánh giá là hay bởi tính cập nhật và thời sự, cũng như khả năng phân loại thí sinh cao.

Cả nước ở trong "chế độ im lặng"

Được tổ chức vào ngày Thứ Năm trong tuần thứ 2 của tháng 11 hàng năm, CSAT (College Scholastic Ability Test) là kỳ thi tuyển quan trọng trong hệ thống giáo dục Hàn Quốc.

Với một lượng lớn người phải đi lại khắp hơn 1.200 điểm thi, ngày thi đại học là ngày mà cả Hàn Quốc gần như ở trong “chế độ im lặng". Bộ Giao thông cấm tất cả máy bay cất và hạ cánh trong khoảng 40 phút, thời điểm học sinh làm bài thi nghe ngoại ngữ. Quân đội cũng điều chỉnh lại lịch diễn tập không quân và tập bắn đạn thật, trong khi xe cộ bị cấm trong bán kính 200m từ trường thi. Các văn phòng công cộng cùng các ngành kinh doanh chính và các thị trường chứng khoán đều mở cửa muộn hơn 1 giờ so với thông thường, đảm bảo cho học sinh đến trường thi đúng giờ. Bất kỳ ai bị tắc đường đều có thể gọi số khẩn cấp 112 và yêu cầu xe cảnh sát đưa họ tới trường thi.

Về phía gia đình, các bậc cha mẹ, ông bà ở Hàn Quốc cũng thường lên chùa từ sớm để cầu nguyện cho con cái họ vượt qua kỳ thi này. Những ngôi chùa thường xuyên quá tải. Hơn nữa, Đài Truyền hình quốc gia cũng phát sóng những bài học nấu ăn cho các bà mẹ, giúp họ làm những món ăn ngon và nhiều dinh dưỡng để bồi bổ cho con cái họ.

Cam go không khác thi tuyển

Tại Anh, dù không có kỳ thi nào để đánh giá cũng như lựa chọn sinh viên đại học nhưng mỗi trường lại đưa ra những tiêu chí riêng biệt. Đa phần để ứng tuyển vào một trường đại học ở Anh, học sinh phải nộp bảng điểm bậc phổ thông và phải tham gia một cuộc phỏng vấn với nhà trường. Tuy nhiên, nhiều trường đại học danh tiếng nhất ở Anh cũng đang chú ý đến việc thắt chặt hơn nữa khâu tuyển sinh như Đại học Cambridge, Đại học Bristol và Đại học College London. Ví dụ như học sinh nào muốn được học ở Đại học Cambridge phải có ít nhất ba điểm A (điểm cao nhất trong học bạ tốt nghiệp ở Anh).

TRẦN YẾN