📞

APEC 2023: Gắn kết vì sự thịnh vượng

Minh Anh 08:00 | 18/11/2023
APEC đang thể hiện là một diễn đàn mạnh mẽ để hợp tác và xây dựng sự đồng thuận về các vấn đề tương lai kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
San Francisco được đánh giá là nơi phù hợp nhất để gắn kết các nền kinh tế APEC. (Nguồn: Getty Images)

San Francisco - thành phố ở bờ biển phía Tây nước Mỹ đang trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu. Bởi Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 11-17/11 tại đây thu hút hàng nghìn nhà lãnh đạo, khu vực tư nhân, tổ chức quốc tế và học giả đến từ 21 nền kinh tế thành viên.

Như Ngoại trưởng nước chủ nhà Antony J. Blinken tự hào giới thiệu - khó có thể tìm được một nơi nào phù hợp hơn để gắn kết tất cả chúng ta lại với nhau tại APEC. Bởi San Francisco – nơi hội tụ đa dạng văn hóa, nơi kết nối các dân tộc, cũng chính là nơi qua nhiều thế hệ, đã gắn kết con người và nền kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tăng cường sức mạnh tập thể

Trong bối cảnh xung đột địa chính trị đang tiếp diễn, quan hệ nước lớn phức tạp và khó lường, kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro suy thoái, việc hội nghị đa phương quan trọng này được tổ chức tại một nền kinh tế dẫn đầu phát đi tín hiệu gì cho thế giới? Đó là điều mà các nền kinh tế toàn cầu đều quan tâm.

Đây là lần thứ ba Mỹ đăng cai tổ chức hội nghị APEC kể từ năm 2011, đánh dấu đúng 30 năm kể từ hội nghị này lần đầu tiên cũng được tổ chức tại nền kinh tế này. Đại diện nước chủ nhà nhấn mạnh, sự tham gia của Mỹ đối với APEC chính là cam kết lâu dài đối với tầm nhìn đã từng được nhất trí ở Malaysia vào năm 2020 - một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, năng động, kiên cường và cởi mở, một cộng đồng giúp nâng cao sự thịnh vượng của người dân và các thế hệ tương lai.

Mỹ khẳng định tin tưởng vào tầm nhìn đó, một khu vực nơi các nền kinh tế được tự do lựa chọn con đường và đối tác của riêng mình; nơi các vấn đề được giải quyết một cách công khai; nơi các quy tắc được đạt được một cách minh bạch và áp dụng công bằng; nơi hàng hóa, ý tưởng, con người lưu chuyển hợp pháp và tự do.

Trên thực tế, APEC đã đạt được nhiều tiến bộ, thực sự hướng tới tương lai thịnh vượng hơn. Tính từ cách đây ba thập kỷ, khi diễn đàn APEC được thành lập, GDP trong khu vực đã tăng từ 19 nghìn tỷ USD lên 52,8 nghìn tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 4 lần, đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, tạo ra tầng lớp trung lưu thịnh vượng.

21 nền kinh tế thành viên của APEC hiện chiếm 38% dân số thế giới; đang tạo ra một nửa thương mại toàn cầu và sản xuất ra hơn 60% hàng hóa và dịch vụ của thế giới.

Tại nền kinh tế Mỹ, các thành viên APEC đã đầu tư 1,7 nghìn tỷ USD, hỗ trợ 2,3 triệu việc làm cho người Mỹ. Ngược lại, các công ty Mỹ đã đầu tư khoảng 1,4 nghìn tỷ USD vào các nền kinh tế APEC.

Tuy nhiên, các nền kinh tế APEC đồng thời phải đối mặt với nhiều bất ổn và thách thức lớn. Thực tế, thế giới dù vẫn đang phục hồi sau sự gián đoạn của đại dịch Covid-19, nhưng vẫn còn đó những “vết thương” khá sâu về kinh tế, thương mại, du lịch… và cả đời sống nhiều người. Trong đó, chuỗi cung ứng vẫn mong manh, bất bình đẳng và bất an kinh tế ngày càng gia tăng, căng thẳng địa chính trị góp phần làm suy yếu thêm an ninh lương thực và năng lượng… Cuộc khủng hoảng khí hậu góp phần làm trầm trọng thêm các thảm họa thiên nhiên và tăng nền nhiệt độ, làm đảo lộn chuỗi cung ứng, phá hủy mùa màng…

Đó là lý do tại sao chủ nhà Mỹ chọn chủ đề tập trung vào việc tạo ra một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người. Bởi đây chính là thời khắc đòi hỏi các thành viên APEC nhìn lại và đánh giá thực tế, để tăng cường đối thoại, hợp tác, biến những thách thức thành cơ hội phục hồi và phát triển bền vững.

Tầm nhìn hướng tới tương lai

Sau nhiều năm tập trung vào phục hồi sau đại dịch, năm 2023 được đánh giá là “năm bản lề” đối với APEC - thời điểm mà các nền kinh tế có thể tái tập trung vào việc xây dựng kinh tế bền vững về lâu dài, như phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính APEC 2023 (12-13/11).

Việc xây dựng chương trình nghị sự của APEC đã trải qua nhiều năm khó khăn. Không có hội nghị trực tiếp nào giữa các nhà lãnh đạo khu vực được tổ chức vào các năm 2019, 2020 hoặc 2021 do hạn chế đi lại vì dịch bệnh hoặc, trong một trường hợp là tình trạng bất ổn trong nước ở Chile.

Việc Mỹ đăng cai tổ chức diễn đàn năm nay nhận được sự hoan nghênh của hầu hết các thành viên APEC. Chọn chủ đề “Kiến tạo một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người”, chủ nhà Mỹ nhấn mạnh ba ưu tiên “kết nối, đổi mới sáng tạo và bao trùm” trong xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, liên kết để nỗ lực xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn cho chuỗi cung ứng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững, chất lượng cao nhằm kết nối giữa các nền kinh tế và đặt nền tảng cho sự phát triển trên diện rộng.

Đổi mới sáng tạo nhằm tận dụng vai trò của APEC - với tư cách là nơi ươm mầm các ý tưởng, nỗ lực thúc đẩy các giải pháp mới nhằm giải quyết một số thách thức khó khăn nhất mà khu vực và thế giới đang phải đối mặt - từ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đến hình thành nền kinh tế kỹ thuật số, nâng cao năng lực người lao động và doanh nghiệp.

Bao trùm để tăng tính toàn diện và giải phóng tiềm năng chưa được khai thác của con người, cho dù đó chỉ là tạo nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ, hỗ trợ các doanh nhân bản địa tiếp cận nguồn vốn hay trong một lĩnh vực vĩ mô hơn nhiều, đó là khai thác các hệ thống vệ tinh để mở rộng kết nối đến các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Giới chuyên gia đánh giá, ý nghĩa đặc biệt của APEC có thể thấy được ở cả cấp độ toàn cầu và khu vực. Đặc biệt, về tầm nhìn hướng tới tương lai, trong bối cảnh tình hình thế giới đang thay đổi nhanh, các yếu tố bên trong và bên ngoài đan xen phức tạp, xu thế phân mảnh trong khu vực gia tăng, liệu APEC có thể duy trì được vị thế là kênh chủ đạo trong hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy các bên tìm được nhận thức chung về hợp tác, duy trì sự thống nhất của toàn bộ khu vực hay không, không những là điều đáng quý nhất, mà còn rất đáng để quan tâm.

Tin tưởng vào mục tiêu đã đặt ra cho Diễn đàn APEC lần thứ 30, trong phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng APEC (14-15/11), Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nhấn mạnh: “Chúng tôi (APEC) không xây dựng từ đầu. Chúng tôi có nền tảng vững chắc để hợp tác, đã được gây dựng qua nhiều năm qua: Malaysia với Tầm nhìn Putrajaya 2040, New Zealand với Kế hoạch hành động Aotearoa và Thái Lan với Mục tiêu Bangkok về Nền kinh tế xanh sinh học… Nhưng chúng tôi cũng biết rằng, còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước”.