📞

APEC họp bàn biện pháp phòng chống virus Zika

10:56 | 01/03/2016
Ngày 29/2, các quan chức y tế cấp cao APEC đã nhóm họp thảo luận các biện pháp tăng cường và đảm bảo an ninh y tế tại châu Á-Thái Bình Dương. 

Virus Zika đang lây lan trên toàn thế giới, trong đó có khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Nguồn: Daily Mail)

Sự kiện này diễn ra tại thủ đô Lima của Peru, do Nhóm Công tác Y tế APEC tổ chức trong bối cảnh virus Zika ngày một lây lan, đe dọa đến sức khỏe người dân trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi có dân số cao nhất thế giới.

Tại hội nghị, các quan chức y tế cấp cao APEC đã đánh giá những lỗ hổng của hệ thống y tế của các nước trong khu vực và đưa ra các biện pháp hợp tác mới để giải quyết chúng. Theo đó, các biện pháp sẽ tập trung vào việc cải thiện môi trường sống, đặc biệt là khu vực biên giới, đồng thời tiếp cận điều trị cho các trường hợp dính virus Zika sớm nhằm đảm bảo sức khỏe cho 3 tỷ người trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Peru Anibal Velasquez Valdivia cho biết: “Thực tế Peru vẫn trong tình trạng an toàn và sức khỏe người dân vẫn nằm trong sự kiểm soát, nhưng virus Zika vẫn có thể đến đây và tạo ra một cuộc khủng hoảng lan rộng trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Theo ông Anibal Velasquez Valdivia, quá trình toàn cầu hóa đã làm tăng cơ hội lây lan của các mối đe dọa sức khỏe xuyên biên giới và gây nguy hiểm cho cuộc sống cùng các hoạt động kinh tế thúc đẩy tăng trưởng, điển hình như các bệnh tật và thiên tai do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi đang tăng cường hợp tác chính sách y tế trong APEC nhằm xây dựng một hệ thống y tế và thiết lập cơ chế phòng ngừa dịch bệnh mạnh mẽ hơn, đáp ứng những trường hợp y tế khẩn cấp toàn khu vực”, ông Anibal Velasquez Valdivia khẳng định.

Hiện các nền kinh tế APEC đang đẩy nhanh hợp tác trao đổi kỹ thuật để tăng cường chất lượng trong công tác cấp cứu, giám sát, ứng phó và phục hồi. Quá trình này được tiến hành dưới sự bảo trợ của một khuôn khổ chính sách y tế APEC có tên gọi là “Sức khỏe châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2020” và được hỗ trợ bởi các tổ chức y tế quốc tế và tư nhân.

“Ebola, MERS và giờ là virus Zika, tất cả nhấn mạnh nguy cơ ngày càng gia tăng của tình trạng khẩn cấp do sức khỏe bị đe dọa mà tất cả chúng ta phải đối mặt”, Tiến sĩ Victor Cuba, Chủ tịch Nhóm Công tác Y tế APEC, nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Victor Cuba, việc quan tâm đến vấn đề sức khỏe trong tất cả các chính sách của Chính phủ, xã hội và khu vực nhằm phát triển hệ thống y tế có thể giúp chúng ta an toàn hơn và đây cũng chính là mục tiêu cốt lõi của chương trình y tế APEC.

Đặc biệt, Tiến sĩ Victor Cuba cũng nêu rõ những việc cần làm hiện nay, bao gồm xác định các lỗ hổng và rủi ro an ninh y tế, phát triển cơ sở hạ tầng y tế, phòng chống và kiểm soát hiện tượng nhiễm trùng, kháng thuốc và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, ký sinh trùng, virus và nấm.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế APEC cũng cần đồng thời thúc đẩy chính sách hỗ trợ y tế phổ quát, cải thiện sức khỏe cho phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh và trẻ em trong khu vực. Mặt khác, các nước phải giải quyết những thách thức y tế đang nổi lên, đặc biệt là sự lây lan của virus Zika hiện nay.

Theo sát với ngành y tế, các phương tiện truyền thông cũng cần tập trung giám sát các tin đồn và tăng cường phản ứng đường dây nóng cho việc cấp cứu y tế.

“Giám sát dịch tễ và phản ứng nhanh chóng liên tục là những yếu tố cần thiết để ngăn chặn những cuộc khủng hoảng y tế có khả năng làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội. Bằng việc trao đổi và trau dồi kiến ​​thức y tế nhằm hỗ trợ các mục tiêu và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe có thể giúp khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt được nhiều tiến bộ y tế lớn hơn”, tiến sĩ Cuba kết luận.

Trong tháng 3 này, các Bộ trưởng Y tế và đại diện các đơn vị y tế tư nhân sẽ họp tại Lima để xem xét cách thức xây dựng hệ thống chính sách y tế khu vực và xác định các bước tiếp theo cần triển khai.

(theo APEC News)