Các cơ quan xúc tiến mô hình kinh doanh vừa và nhỏ của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang tiến hành các bước tiếp theo để xóa bỏ những rào cản, cũng như các hạn chế còn tồn tại trong quá trình tạo công ăn việc cho các doanh nghiệp xuất khẩu do phái nữ lãnh đạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vượt qua định kiến
Các bước đi này sẽ bao gồm việc tăng cường các khóa đào tạo xuyên biên giới và giao lưu lớn hơn để thực hiện cải cách trong các nền kinh tế APEC, tạo sân chơi bình đẳng hơn cho các công ty do phụ nữ làm chủ và quản lý, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Động thái này có thể thúc đẩy sự tăng trưởng dựa trên thương mại, đồng thời tạo công ăn việc làm cho các đơn vị kinh doanh cá thể cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chủ tịch Nhóm Công tác Doanh nghiệp vừa và nhỏ của APEC kiêm Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp của Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Cường cho biết: “Các nền kinh tế APEC đang tăng cường hợp tác để phá vỡ các rào cản đối với sự phát triển và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo…”.
Chủ tịch Tập đoàn Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, tỉ phú nữ đầu tiên của Việt Nam và của khu vực Đông Nam Á. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Trao quyền phụ nữ
Một trong những trọng tâm của APEC là giảm các rào cản trong thể chế và chính sách đối với sự tham gia vào quá trình giao thương của các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Những bất cập có thể kể đến như các bộ luật lao động lỗi thời, không bảo vệ một cách đầy đủ quyền lợi của phụ nữ, thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em, hạn chế khả năng dùng tín dụng. Ngoài ra, trong một số trường hợp, phụ nữ thiếu cơ hội nâng cao trình độ học vấn và cơ hội phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Để giảm thiểu những thách thức như vậy, APEC đang tăng cường năng lực của khu vực công để giới thiệu các chính sách xúc tiến và chương trình thương mại theo giới, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội dân sự. Các buổi đào tạo và chia sẻ thông tin cho các cán bộ xúc tiến thương mại sẽ được tiến hành vào tháng 4 tại Hà Nội.
Bà Cynthia Balogh, Giám đốc tổ chức Phụ nữ Toàn cầu kiêm Trưởng nhóm tập huấn và giám sát dự án của APEC. (Nguồn: Women in Global Australia) |
Cynthia Balogh, Giám đốc tổ chức Phụ nữ Toàn cầu kiêm Trưởng nhóm tập huấn và giám sát dự án của APEC cho biết: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo có thể tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và kinh doanh quốc tế khi họ được hỗ trợ bởi chính sách và thực tiễn của chính phủ, nhằm giải quyết các khó khăn cụ thể về giới mà các doanh nhân nữ phải đối mặt… Tiềm năng tạo ra việc làm và tăng trường trong khu vực này là rất lớn”.
Cần thay đổi thái độ
Bà Hoàng Thị Thu Huyền, Chủ tịch Chương trình Đối tác Chính sách về Phụ nữ và Kinh tế của APEC, kiêm Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam cho biết: “Phụ nữ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là động lực chính của các doanh nghiệp nhỏ có tiềm năng xuất khẩu lớn, nhưng bị hạn chế bởi một số chính sách kinh tế và xã hội… Cải cách là chìa khóa để thực hiện thương mại cân bằng giới có lợi cho mọi người. Điều quan trọng là thay đổi thái độ vẫn là trở ngại lớn hơn đối với việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ”.
Họp Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tháng 5/2016. (Nguồn: Bộ Công thương Việt Nam) |
Bà Huyền đã kết luận rằng nỗ lực chính sách của APEC trong lĩnh vực của doanh nghiệp nhỏ sẽ làm phong phú thêm chủ đề và các ưu tiên của Diễn đàn Phụ nữ và Diễn đàn Kinh tế APEC năm 2017 ở Huế, Việt Nam vào tháng 9 tới.
Dự kiến, các Bộ trưởng Thương mại APEC sẽ có có cuộc hội thảo tại Hà Nội vào tháng 5. Tháng 9, tại thành phố Hồ Chí Minh, cuộc họp của các Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ diễn ra, để đánh giá tiến bộ và có hành động bổ sung để thúc đẩy thương mại tổng thể.