CEO của Apple - Tim Cook. (Nguồn: NysePost) |
“Món quà của Chúa”
Kể cả giới tội phạm cũng đang có xu hướng chuyển sang sử dụng điện thoại iPhone vì khả năng mã hóa mạnh mẽ của nó. Thậm chí, những sản phẩm công nghệ thông minh này đang được coi như công cụ hữu dụng để thực hiện các hành vi phạm pháp. Trong đơn kiến nghị gửi tới thẩm phán thụ lý xét xử “cuộc chiến" giữa Tập đoàn công nghệ đình đám Apple và Bộ Tư pháp Mỹ về việc bẻ khóa điện thoại iPhone mới đây, ba tổ chức liên quan đến thực thi luật pháp liên bang đã bày tỏ lo ngại khi phát hiện nhiều trường hợp tội phạm sử dụng các dòng sản phẩm iPhone, thay vì các loại điện thoại di động "nồi đồng cối đá" như trước kia. Họ còn dẫn chứng một cuộc điện thoại từ trong tù bị giới chức New York chặn hồi năm ngoái, một tù nhân đã gọi hệ thống mã hóa của Apple là một "món quà của Chúa".
Tranh cãi về vấn đề giải mã các thiết bị thông minh nổi lên sau khi “đại gia” Apple đệ đơn phản đối lệnh của một tòa án Mỹ yêu cầu hỗ trợ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở khóa chiếc iPhone do một trong hai kẻ khủng bố đã gây cuộc thảm sát ở thành phố San Bernardino (bang California) sử dụng. FBI đề nghị Apple giúp hủy chức năng tự xóa dữ liệu trên chiếc iPhone nhằm lấy thông tin từ thiết bị trên sau nhiều nỗ lực phá mật mã không thành.
Việc Apple từ chối yêu cầu của Chính phủ Mỹ đang gây ra những phản ứng rất khác nhau. Khảo sát do Hãng nghiên cứu Pew cho thấy, 51% người dân Mỹ ủng hộ những nỗ lực pháp lý của chính quyền Washington nhằm buộc Apple phải thực hiện yêu cầu của Chính phủ, nhưng tỷ lệ ủng hộ Apple cũng chiếm tới 39%, trong đó, có nhiều “đại gia” công nghệ khác như Google, Facebook và Twitter…
“Cuộc chiến” chưa hồi kết
Đầu tháng Ba, cuộc chiến "bẻ khóa" iPhone đã được chính thức chuyển sang Quốc hội khi cả hai tiếp tục tranh cãi về vấn đề bảo mật. Phát biểu trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, Giám đốc FBI James Comey nhấn mạnh, công việc thực thi pháp luật có thể bị cản trở do những "không gian bảo vệ bằng chứng" mà các điều tra viên không thể tiếp cận được. Điều đó khiến những công cụ mà lực lượng an ninh sử dụng để bảo vệ người dân mất dần hiệu quả.
Giám đốc FBI cho rằng, công nghệ không được phép cản trở pháp luật, bảo vệ các bằng chứng của tội ác. Ông Comey cũng tỏ ra lo ngại vụ việc có thể trở thành tiền lệ cho các cuộc điều tra khác. Đáp lại, luật sư của Apple - Bruce Sewell nhấn mạnh, công chúng cần hiểu rằng "mã hóa là một điều tốt đẹp và cần thiết", thậm chí ngay cả khi điều này có thể khiến việc thực thi pháp luật trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, vấn đề ai đúng ai sai còn chưa thể phân biệt được trong chính nội bộ các nhà chức trách Mỹ, khi vị quan tòa sơ thẩm tại bang New York ngày 29/2 ra phán quyết rằng, cảnh sát Mỹ đã vượt quá quyền hạn, khi đưa ra yêu cầu các chuyên gia của Apple phải phá khóa chiếc iPhone thuộc về một trùm buôn bán ma túy trong một vụ án khác. Quan tòa James Orenstein từ chối phát lệnh yêu cầu Apple tuân thủ đề nghị của giới chức Mỹ, khẳng định đó là vi phạm hiến pháp. Ông Orenstein cho rằng, cơ quan hành pháp không có thẩm quyền để đưa ra yêu cầu như vậy với Apple, căn cứ vào thực tế trước đó Quốc hội Mỹ từng xem xét đưa vào luật một điều khoản tương tự, song đã không được thông qua.
Bảo vệ giá trị của Apple
Phán quyết trên được đưa ra trong bối cảnh Apple đang đối mặt với nhiều sức ép sau khi từ chối hỗ trợ FBI với lý do việc làm này quá mạo hiểm và ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Theo Apple, việc này sẽ khiến người dùng dễ bị tin tặc tấn công, hoặc bị chính phủ giám sát. Phát biểu với báo giới ngay sau phán quyết trên của tòa án, một đại diện của Apple khẳng định trường hợp này không khác gì so với vụ tranh cãi liên quan đến chiếc iPhone của nghi can khủng bố.
Quyền “riêng tư” được các nhà lãnh đạo Apple coi như một giá trị quan trọng của đế chế này. Theo một báo cáo, hiện Apple đang gây dựng kế hoạch dài hạn, trong đó bảo mật và an toàn chính là "bộ mặt" của họ, đặc biệt tại các thị trường quốc tế. Trong gần 234 tỉ USD mà Apple thu về hàng năm, có tới 2/3 doanh thu đến từ nước ngoài. Theo suy luận của Apple, một khi “hợp tác” với Chính phủ Mỹ thì tức là họ cũng sẽ phải hợp tác với chính phủ các nước khác.
Một cuộc biểu tình do những tín đồ của “quả táo” tổ chức nhằm ủng hộ công ty này. (Nguồn: Reuters) |
CEO của Apple Tim Cook gọi sự riêng tư là một nghĩa vụ của công dân. Ông cũng đã sử dụng lập luận trong bức thư công khai gửi các khách hàng. “Chính phủ đảm bảo công cụ sẽ chỉ được sử dụng một lần và chỉ dùng trên một chiếc iphone mà thôi! Nhưng điều đó không thể có bởi một khi công nghệ đã được tạo ra thì sẽ được sử dụng hàng nghìn lần, thậm chí trên nhiều thiết bị khác nhau", Tim Cook chia sẻ trong bức thư.