📞

Argentina ủng hộ dự trữ quốc tế Nhân dân tệ

14:40 | 29/09/2015
Nếu Nhân dân tệ (NDT) là đồng tiền dự trữ quốc tế, nó có thể sẽ giúp Trung Quốc và Argentina làm sâu sắc hơn mối quan hệ đầu tư, thương mại song phương, cũng như mang đến cơ hội hợp tác mới cho hai nước.
Nhân dân tệ được xem như là đồng tiền dự trữ quốc tế. (Nguồn: WSJ)

Khẳng định điều này, mới đây, chuyên gia kinh tế người Argentina Gustavo Girado cho rằng, vốn đầu tư từ Trung Quốc đến Argentina sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu NDT trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Ngoài ra, việc có thể sử dụng NDT trong quan hệ thương mại song phương là cách tốt nhất để tăng cường hơn nữa mối quan hệ chiến lược Trung Quốc – Argentina.

Theo quan điểm của Girado, đây sẽ là một điều kiện rất thuận lợi cho Argentina khi mà nước này đang phải vật lộn với những hạn chế về tài chính.Tình hình kinh tế Argentina luôn trong tình trạng căng thẳng và được đánh giá là nền kinh tế có độ rung lắc mạnh nhất thế giới.

Từ khi quốc gia Nam Mỹ này giành độc lập (năm 1816) đến nay, nhắc đến Argentina là người ta nghĩ đến lạm phát, suy thoái, khủng hoảng và cả lịch sử nhiều lần vỡ nợ - với lần gần nhất là vào tháng Bảy năm ngoái. Tương lai cũng không mấy sáng sủa khi nước này bị dự đoán sẽ rơi vào suy thoái trong tương lai không xa. Hiện tại, Argentina đang rất khan hiếm ngoại tệ. Để phát triển đất nước, Argentina sẽ phải phụ thuộc vào đồng tiền dự trữ quốc tế.

Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực đưa NDT trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Để làm được điều đó, Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp như đa dạng hóa các khoản dự trữ ngoại tệ để giảm nhu cầu USD ở trong nước, tăng tỉ trọng vàng và các đồng tiền khác, kể cả cổ phiếu và trái phiếu, tăng cường can dự vào các thị trường cổ phiếu châu Âu.

Mới đây, ngày 18/9, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cho phép Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) là ngân hàng thanh toán bù trừ bằng NDT ở Argentina. Để hoàn thành vai trò này, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của NDT, ICBC sẽ xây dựng một mạng lưới ngân hàng khu vực để “trở thành trung tâm tài chính quan trọng hơn đối với các nước trong khu vực Mỹ Latinh”.

Trang Ngân (Theo THX)