📞

ASEAN 2020: Thách thức nhiều, thành tựu lớn và những bài học

Vũ Đăng Minh 15:00 | 20/11/2020
TGVN. Thách thức không mong muốn, nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Vượt qua khó khăn, chứng tỏ bản lĩnh, năng lực của ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng. Đồng thời khẳng định bài học đoàn kết, hợp tác, kết nối nội khối và ASEAN với khu vực, thế giới là chìa khóa của thành công.
Năm 2020 đầy thách thức với ASEAN và Việt Nam trên cương vị Chủ tịch. (Nguồn: Nikkei)

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Năm 2020 đầy thách thức với ASEAN và Việt Nam trên cương vị Chủ tịch. Làn sóng đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới và nỗ lực mở cửa trở lại, từng bước phục hồi. Môi trường chiến lược phức tạp bởi sự cạnh tranh Mỹ - Trung và những diễn biến nhanh chóng, khó đoán định ở khu vực và trên thế giới.

Các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đe dọa an ninh, ổn định và phục hồi của khu vực. Biến động đã làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch chuẩn bị trong 2 năm qua cho cương vị Chủ tịch ASEAN, buộc cả Cộng đồng và Việt Nam phải điều chỉnh.

Khó khăn rất lớn, đặt ASEAN trước lựa chọn sinh tử: hoặc là chấp nhận điều kiện khách quan, chờ đợi, hạn chế các hoạt động, có thể rơi vào suy thoái hoặc nỗ lực vượt qua thách thức. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Cộng đồng đã biến khó khăn, thách thức thành nhân tố kích thích, buộc ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng phải nỗ lực gấp nhiều lần, phải sáng tạo hơn, phải đổi mới tư duy và hành động.

Với phương châm chỉ đạo “Gắn kết và chủ động thích ứng”, bằng quyết tâm chính trị, sự tích cực, vai trò dẫn dắt của nước Chủ tịch và sự đoàn kết của Cộng đồng, ASEAN đã thực hiện thành công tất cả các kế hoạch đề ra. Hơn thế nữa, kết quả chứng tỏ bản lĩnh, năng lực của Cộng đồng ASEAN trước một thế giới đầy biến động và rút ra những bài học quý, mở ra những kỳ vọng trong chặng đường tiếp theo.

Thành tựu nổi bật

Với hình thức trực tuyến, năm 2020 vẫn tiến hành đầy đủ các hội nghị cấp cao, hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và hội nghị ASEAN với các đối tác lớn, tổ chức quốc tế. Đặc biệt Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, kết thúc năm Chủ tịch của Việt Nam, với hơn 20 hoạt động cấp cao, thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2020 nổi lên các thành tựu chủ yếu:

Thứ nhất, đề xuất, triển khai thực hiện nhiều sáng kiến thiết thực, kịp thời của Việt Nam và các nước.

Lập Quỹ Cộng đồng ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, thông qua Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp, thành lập Trung tâm khu vực ứng phó các tình huống y tế, dịch bệnh…

Đây là công việc trọng tâm, đòi hỏi nỗ lực cao của Cộng đồng ASEAN và là thành công bước đầu rất quan trọng, thúc đẩy phục hồi khu vực sau đại dịch. Nếu không từng bước khắc phục được hậu quả, thì nhiều kế hoạch theo Tầm nhìn ASEAN 2025, ASEAN 2045 sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí bị đình trệ.

Các đề xuất, sáng kiến không chỉ tập trung nguồn lực tổng hợp toàn khối và đối tác, bảo đảm ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống đại dịch Covid-19, mà còn sẵn sàng đối phó với dịch bệnh, các thảm họa khác trong tương lai. Đồng thời, thể hiện vai trò, tầm nhìn, hành động thống nhất của Cộng đồng ASEAN đối với các thách thức an ninh phi truyền thống khu vực và trên thế giới.

Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, và Tầm nhìn 2045.

Trong năm 2020, ASEAN đã thực hiện nhiều hoạt động, giải quyết các vấn đề cơ bản, cốt lõi, lâu dài của khu vực:

Công bố báo cáo đánh giá giữa kỳ triển khai Kế hoạch Tổng thể tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên 3 trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa – Xã hội; Kế hoạch Tổng thể kết nối ASEAN 2025; công bố Khung phục hồi Tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai; thúc đẩy khôi phục chuỗi cung ứng khu vực và thế giới…

Thông qua các văn kiện, hoạt động đó, lãnh đạo ASEAN thể hiện cam kết mạnh mẽ, đoàn kết, nỗ lực thúc đẩy hợp tác, thu hẹp khoảng cách vùng miền, quốc gia, gắn kết nỗ lực phát triển, nâng tầm hợp tác giữa các tiểu vùng.

Đạt được kết quả như vậy, trong bối cảnh rất đặc biệt, năm 2020 xứng đáng là năm bản lề, một dấu mốc quan trọng trong tiến trình thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng đến năm 2025 và Tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, cam kết mạnh mẽ với các đối tác, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, thắt chặt, làm sâu sắc quan hệ, giành được sự ủng hộ của các đối tác.

Thông qua hội nghị với các đối tác, lãnh đạo cấp cao ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, cam kết thúc đẩy hợp tác lâu dài với các đối tác. Lãnh đạo cấp cao cho ý kiến về bộ tiêu chí xem xét lập quan hệ đối tác đối thoại của ASEAN, thể hiện tính độc lập, tự chủ, chủ trương tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác lớn ngoài khu vực.

Lãnh đạo ASEAN đã cùng với các đối tác nỗ lực thúc đẩy, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan ngày 15/11.

Đây là cam kết mạnh mẽ đối với tự do hóa, liên kết kinh tế, giảm đáng kể các rào cản pháp lý, một bước đột phá trong thương mại toàn cầu, tạo nền tảng phục hồi, phát triển của khu vực trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và những tác động nặng nề của đại dịch.

Lễ ký kết Hiệp định RCEP vào ngày 15/11 là thành quả từ những nỗ lực rất lớn của ASEAN và đối tác. (Ảnh: Tuấn Anh)

Các đối tác mang đến Hội nghị với lãnh đạo cấp cao ASEAN những chính sách, chiến lược tạo động lực mới. Đó là khẳng định “ASEAN là ưu tiên cao trong chính sách láng giềng” của Trung Quốc; là phát triển quan hệ trên nền tảng “từ trái tim đến trái tim” của Nhật Bản; là chính sách hướng Nam mới, nâng cấp hợp tác Mekong-Hàn Quốc lên đối tác chiến lược; là bộ phận quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ…

Mỗi đối tác có sự quan tâm khác nhau, nhưng điểm chung là ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông và cam kết thúc đẩy hợp tác với ASEAN.

Các hoạt động của ASEAN với các đối tác tạo thêm sinh lực cho khôi phục chủ nghĩa đa phương, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển của thế giới trong và sau đại dịch.

Thứ tư, tiếp tục duy trì lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông, tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác.

Biển Đông tồn tại các tranh chấp phức tạp, tiềm ẩn thách thức đe dọa an ninh, ổn định khu vực. Thông qua các hội nghị, đối thoại, ASEAN thể hiện quyết tâm xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn cho tự do lưu chuyển hàng hóa.

ASEAN tiếp tục khẳng định lập trường nguyên tắc đề cao thượng tôn pháp luật, tuân thủ các giá trị chung, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, không có các hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trện cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC, nỗ lực xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đó là nền tảng để giải quyết các vấn đề phức tạp trên Biển Đông.

Việt Nam đã nỗ lực cùng các nước khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; nâng cao vai trò tiên phong, nòng cốt của ASEAN, là điểm sáng trong đối phó với các thách thức ở châu Á – Thái Bình Dương.

Trong khi một số thể chế đa phương gặp khó khăn thì ASEAN vẫn duy trì ổn định, kết nối, hợp tác và từng bước phục hồi. Cộng đồng ASEAN không những là tấm gương về quyết tâm, ý chí chính trị mà còn đóng góp cho thế giới phương thức hợp tác trong điều kiện “bình thường mới”.

Như đánh giá của bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc IMF: Thế giới ngưỡng mộ tinh thần hợp tác mạnh mẽ của ASEAN trong những năm qua và quá trình khắc phục hậu quả Covid-19. Phương thức ASEAN (ASEAN Way) sẽ là nguồn cảm hứng để thúc đẩy hợp tác toàn cầu, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Với những thành tựu trong năm 2020, ASEAN tiếp tục kế thừa kết quả những năm qua, vượt qua thách thức, tạo tiền đề phát triển lên tầm cao mới trong những năm tới. Cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá ASEAN là mảng màu hồng tô sáng bức tranh màu xám của thế giới.

Dấu ấn Việt Nam

Thành tựu của ASEAN năm 2020 là nỗ lực chung của Cộng đồng, của cả quá trình, đồng thời thể hiện nổi bật vai trò dẫn dắt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch.

Thực hiện phương châm “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã linh hoạt, chủ động biến thách thức thành cơ hội. Cùng các nước đánh giá toàn diện cơ chế ASEAN, phát huy đoàn kết, đồng thuận để thống nhất cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, không chỉ trong đối phó với đại dịch mà cả trong 3 trụ cột, trên các lĩnh vực.

Cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá ASEAN là mảng màu hồng tô sáng bức tranh màu xám của thế giới.

Việt Nam đã giành được sự tán thành, đồng thuận cao đối với Khung phục hồi tổng thể và Kế hoạch triển khai cũng như nhiều văn kiện cơ bản và các hoạt động khác.

Việt Nam phát huy vai trò trung tâm đoàn kết, tăng cường gắn kết cộng đồng, dẫn dắt, kết nối, hợp tác cùng các nước ASEAN và các đối tác triển khai thành công nhiều hội nghị trực tuyến, bảo đảm đúng, đầy đủ, có chất lượng chương trình, kế hoạch, hoàn thành khối lượng kỷ lục các công việc trong một năm.

Việt Nam đã khéo léo điều hòa, giảm thiểu áp lực từ cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn, thông qua việc đề cao nguyên tắc cơ bản của ASEAN trong quan hệ giữa các quốc gia; trong đó có nguyên tắc Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Không chỉ thể hiện vai trò, năng lực dẫn dắt, Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế đánh giá là tấm gương, hình mẫu trong phục hồi kinh tế, xuất khẩu trong đại dịch Covid-19. Điều đó chứng tỏ năng lực thực tiễn của Việt Nam, làm tăng thêm vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN.

“Gắn kết và chủ động thích ứng” là “thương hiệu Việt Nam”, không chỉ phù hợp với năm 2020 mà trở thành phương châm chỉ đạo của ASEAN trong nhiều năm tới.

Với những kết quả đó, Việt Nam xứng đáng với đánh giá của bà Cartlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và cũng là đánh giá của nhiều người khác: Việt Nam đã thực hiện rất tuyệt vời vai trò Chủ tịch ASEAN.

Những bài học

Thành công năm 2020 để lại nhiều bài học sâu sắc đối với Cộng đồng ASEAN và Việt Nam:

Một, càng khó khăn, thách thức càng phải đổi mới tư duy, phương thức hành động, chủ động, sáng tạo hơn. Định hình hoạt động nhanh chóng, với cam kết chính trị cấp cao nhất, đề xuất nhiều sáng kiến phù hợp với tình hình mới.

Hai, đoàn kết, gắn bó cộng đồng là nhân tố then chốt bảo đảm ASEAN hòa bình, ổn định, độc lập, tự chủ trong môi trường bất ổn, biến động, nhiều thách thức của khu vực và thế giới.

Ba, ASEAN sẽ giữ vững hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, vượt qua giai đoạn khó khăn này nếu xung đột, cọ xát về lợi ích, khác biệt trong tư duy và cách tiếp cận được hóa giải bằng lòng tin, tinh thần xây dựng và thái độ thiện chí của các bên (như Lời chào mừng Hội nghị cấp cao ASEAN 37 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng).

Bốn, ASEAN trên tinh thần tự cường, tỉnh táo, kiên định tiếp cận cân bằng, hài hòa, giữ vững vai trò trung tâm, không bị chao đảo, cuốn vào các dòng xoáy biến động thế giới, khu vực (như Lời phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 37 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc).

Năm, kế hoạch kết nối là vấn đề thiết yếu trong kế hoạch tổng thể phục hồi ASEAN. Kết nối trở thành trụ cột có ý nghĩa cộng hưởng, phát huy tác động giữa 3 trụ cột truyền thống của ASEAN: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp to lớn.

Đại dịch Covid -19, cũng như các thảm họa khác là điều không mong muốn. Nhưng vượt qua thách thức đã chứng tỏ bản lĩnh, năng lực của ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng. Đồng thời, khẳng định giá trị to lớn của bài học: càng khó khăn, thách thức, càng phải đoàn kết, hợp tác, kết nối và đó là chìa khóa của thành công cả trước mắt và lâu dài.