Singapore ngập trong khói bụi vì vụ cháy rừng ở Indonesia (Nguồn: Bloomberg) |
Giáo sư Joseph Cherian, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, quản lý tài sản và Đầu tư, Singapore đã nhận định như vậy trong bài viết đăng tải trên trang Inquire.net vừa qua. Báo TG&VN xin lược dịch bài viết này.
Những nỗ lực như “muối bỏ bể”
Từng đám bụi khói bắt nguồn từ những vụ cháy rừng ở Indonesia không chỉ là vấn đề với chính đảo quốc này mà còn gây ra nhiều thách thức về môi trường, sức khỏe và cả ngoại giao với hai nước láng giềng Malaysia và Indonesia.
Năm nay, Philippines cũng được cho là nạn nhân của khói bụi từ Indonesia khi thời gian qua vùng Cebu bị bao phủ bởi khói. Rõ ràng, khói bụi ở Indonesia đã trở thành vấn đề cấp khu vực. Jakarta thường đưa ra lý do rằng, nước này thiếu nguồn lực chữa cháy và từ chối nhiều đề nghị giúp đỡ từ một số nước láng giềng. Ba nước Indonesia, Malaysia và Indonesia từng có thỏa thuận về chống khói bụi xuyên biên giới. Tuy nhiên, khi bụi khói tan đi thì ý chí chính trị của các nước về vấn đề này cũng không còn mạnh mẽ như trước. Họ chưa có được một quyết tâm đủ mạnh để giải quyết vấn đề trong dài hạn.
Ở cấp khu vực, ASEAN cũng đã thực hiện một số biện pháp với mục tiêu đảm bảo tình trạng khói bụi xuyên biên giới không tiếp tục tái diễn, nhưng dường như chỉ là “muối bỏ bể”. Đã hai năm trôi qua kể từ khi ASEAN đưa ra một hệ thống kiểm soát các điểm cháy chung nhưng giờ đây hệ thống chỉ là một cái vỏ trống rỗng bởi các chính phủ không muốn chia sẻ dữ liệu bản đồ.
ASEAN đã từng phải mất 11 năm để thuyết phục Indonesia ký hiệp định khói bụi xuyên biên giới - một kế hoạch hành động toàn diện ra đời từ năm 2003. Nhưng dường như ASEAN đã lãng phí hơn một thập kỷ mà vẫn chưa thể chuẩn bị được một nguồn lực mạnh để đối phó với vấn đề này. Thực tế, chi phí dập tắt các điểm cháy rừng cũng như khắc phục hậu quả sau cháy không hề rẻ. Ở Mỹ, để xử lý một khu vực cháy khoảng 3.000 ha phải mất chi phí lên tới 14,3 triệu USD.
Biện pháp hữu hiệu
Nếu như ASEAN không có đủ nguồn lực về tài chính và nhân sự phòng chống cháy rừng trong dài hạn thì Malaysia, Indonesia, Singapore và hiện tại có thêm cả Philippines, sẽ bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Nguồn lực chính là ưu tiên hàng đầu mà Hiệp hội cần chuẩn bị cho cuộc chiến chống cháy rừng, nguyên nhân chính của thực trạng ô nhiễm khói bụi hiện nay.
Bên cạnh đó, việc thành lập lực lượng cứu hỏa liên khu vực là vô cùng cần thiết và cần các cơ quan liên quan trong 10 nước thành viên hỗ trợ trong quá trình đào tạo, duy trì hoạt động. Các tổ chức phi chính phủ quan tâm tới bảo vệ môi trường cũng có thể chung tay cùng Hiệp hội hiện thực hóa các kế hoạch hành động chống khói bụi xuyên biên giới.ASEAN cũng cần hợp tác trong lĩnh vực luật pháp nhằm đảm bảo kiềm chế tình trạng khói bụi lan rộng.
Giáo sư Ivan Png, thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, luật pháp quốc tế có những điều khoản nêu rõ luật và chế tài đối với tội phạm môi trường xuyên biên giới. Do vậy, các nước thành viên cần cùng nhau đảm bảo luật pháp quốc tế được thực thi trên phạm vi toàn khu vực. Hơn nữa, các nước thành viên cần tuân thủ luật các nước thành viên, ví dụ, Đạo luật ô nhiễm xuyên biên giới của Singapore quy định các đối tượng gây ra ô nhiễm khói bụi sẽ bị phạt số tiền lên tới 2 triệu USD, điều này có nghĩa Singapore có thể truy tố đối tượng vi phạm ngoài biên giới nước này.
Tiếp đến, ASEAN có thể học hỏi từ Công ước Liên hợp quốc về tầm xa xuyên biên giới Ô nhiễm không khí (UN Convention on Long-range Transboundary Air Pollution). Các nước ASEAN có thể hợp tác để đưa ra một công ước cấp khu vực nhằm đảm bảo môi trường và sức khỏe của cộng đồng. Những người vi phạm có thể bị xét xử tại một toàn án của ASEAN tương tự mô hình của EU.
Như vậy, để giải quyết vấn đề khói bụi xuyên biên giới, chúng ta cần phải nhận thức được rằng với những vòi phun nước trong vườn, máy bay trực thăng có vòi phun không thể chiến đấu với những đám cháy rừng diện rộng. Để dập tắt vấn nạn mang lại nhiều vấn đề cho khu vực này, ASEAN cần một nguồn lực mạnh, sự hợp tác chặt chẽ hơn cũng như hệ thống pháp luật toàn diện và hiệu quả giữa các nước thành viên. Nếu như 4 nước lớn mạnh trong ASEAN (Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines) không thể giải quyết được vấn đề về môi trường sống thì Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng khó có thể hội nhập sau khi ra đời vào cuối năm nay.
Hằng Phạm